(Baonghean) - Tuần đầu tiên của tháng 7, bài “Thiên đường và địa ngục” của tác giả Hải Triều được bình chọn với số phiếu cao thứ hai. Bài viết thể hiện quan điểm về cái gọi là “văn minh mạng” và sự nhân văn của con người trong thời đại thông tin kỹ thuật số ngày nay…

TIN LIÊN QUAN

Những ngày cuối tháng 6, “công chúng mạng” đua nhau “chia sẻ” với tốc độ chóng mặt rồi “bình loạn”, “ném đá” hình ảnh đương kim hoa hậu Việt Nam Kỳ Duyên ngủ trên ghế máy bay với tư thế thiếu tế nhị. Có người  “bình” rằng hoa hậu Kỳ Duyên nhưng kém duyên, là vô ý tứ,… Thậm chí có bài báo còn giật tít là “Luận "tội" ngủ xấu của hoa hậu Kỳ Duyên”;…Nhưng cũng có người “bênh” rằng: "Thật buồn cười, có cái chuyện hoa hậu ngủ xấu là cũng đem ra "cào cấu". Người chứ phải thánh đâu mà lúc nào cũng phải đẹp", và quay ra chỉ trích người đã tung bức ảnh của hoa hậu lên mạng: "Người đáng phải lên án về đạo đức ở đây chính là người chụp ảnh”,..
 
Có thể nói, công chúng mạng với “vũ khí” là internet họ luôn luôn đầy “quyền lực” trước một sự kiện, sự việc nào đó được “tung” lên mạng xã hội. Như tác giả nói thì cái quyền lực đó có thể biến “thiên đường” của một người thành “địa ngục” ngay lập tức chỉ bằng những lượt chia sẻ và lời bình của mình. Đành rằng những người nổi tiếng như ca sỹ, diễn viên, hoa hậu,… được “mặc định” là người “của công chúng”, nhưng như tác giả nói thì “người nổi tiếng cũng chỉ là người bình thường chứ có phải thần thánh đâu”. Đúng như tác giả phân tích: “Suy cho cùng, nếu những hình ảnh trên rơi vào một người bình thường không ai biết đến thì chắc ai cũng chỉ tặc lưỡi: “Có gì lạ?”.
 
Vậy thì cái “lạ”, cái “giật gân” ở đây nằm ở nhân vật chứ không nằm ở sự việc. Có nghĩa là bất kể người đó làm việc gì, công chúng cũng sẽ nhìn ra sự đặc biệt ở đó - theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực”. Chắc nhiều người chưa quên “sự kiện” đầu mùa hè vừa qua công viên nước Hồ Tây có đợt mở cửa miễn phí cho người dân vào tắm. Theo đó, rất nhiều hình ảnh nhức mắt cũng đã được “công chúng mạng” lan truyền và “ném đá” tơi tả. Tuy nhiên, với sự kiện đua nhau tắm miễn phí đó dư luận lại chĩa “búa rìu” vào ý thức văn hoá, vào tâm lý “một miếng giữa làng không bằng một sàng xó bếp”, cứ có miễn phí là hè nhau giành giật mặc cho mình có nhu cầu hay không của “dân ta”. Vì thế mà rất nhiều hình ảnh các “nam thanh nữ tú” Hà thành mặc váy, bikini trèo bờ tường được “tung” lên mạng nhưng các cá nhân ấy không “bị” nhắc tên hay chỉ trích. Đơn giản có lẽ họ…không nổi tiếng, không phải là “người của công chúng”. Chứ, nếu một trong số đó mà là ca sỹ, diễn viên, hoa hậu,… thì chắc chắn là dân mạng đã cho “rớt” từ thiên đàng xuống “địa ngục” ngay lắp tự rồi.
 
“Vậy thì suy cho cùng, trước khi đòi hỏi người nổi tiếng phải có ý thức, trách nhiệm với công chúng, liệu có cần đặt câu hỏi cho ý thức, trách nhiệm của chính những người quan tâm, dõi theo từng động thái của thế giới “ngôi sao”? Hành động chụp ảnh, chia sẻ những khoảnh khắc riêng tư của người khác trên mạng xã hội liệu có văn minh? Đả kích, phê phán một việc mà chúng ta ai cũng có thể mắc phải và không phải là một hành động đi trái lại thuần phong mỹ tục, liệu có nhân văn?”. Thực ra tác giả đã có câu trả lời khi đặt ra những thắc mắc ấy bằng chính khẳng định: “công chúng nắm trong tay thứ quyền lực còn lớn hơn cả sự bóng bẩy, hào nhoáng của “thiên đường” xa vời đó. Đó là thứ quyền lực có thể biến thiên đường thành địa ngục... nếu như chúng ta không sử dụng quyền lực đó bằng lòng bao dung và sự nhân văn”.
 
Từ đó cũng có thể suy ra rằng, công chúng với thứ “quyền lực thông tin” ấy có thể biến “thiên đường” thành “địa ngục” thì họ cũng hoàn toàn có thể “hô biến” địa ngục thành thiên đường. Ví như dùng truyền thông, mạng xã hội để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, quyên góp ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn; những người bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chạy chữa,... Với những số phận kém may mắn thì chỉ một sự giúp đỡ, một lời động viên cũng có thể là cứu cánh đưa họ từ “địa ngục” đến “thiên đường”;...
 
Chúng ta đang sống trong thời phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, chỉ cần một cái nhấp chuột, một cái chấm tay trên màn hình là cả thế giới hiện ra trước mắt, là có thể nhận được khối lượng thông tin khổng lồ, tốt có, xấu có, chính thống có, phản động cũng không ít,… Bởi vậy, trước mỗi sự việc, con người, chúng ta hãy bằng sự bao dung và nhân văn mà suy xét, bình bàn, để có hành động phù hợp, ý nghĩa; xa hơn nữa là hãy góp tiếng nói của bản thân với tinh thần xây dựng để xã hội, cộng đồng phát triển tốt đẹp, văn minh hơn, người với người xích lại gần nhau hơn; để cái xấu, cái ác bị lên án, xoá bỏ; để từng ngày từng giờ và nơi nơi trên trái đất đều là thiên đường…
 
Người xây dựng