(Baonghean) - Thỏa thuận khung mà Iran và nhóm P5+1 vừa đạt được tại Lausanne (Thụy Sỹ) được xem là bước ngoặt lớn trong quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran suốt 12 năm qua. Song dư luận thế giới vẫn lo ngại về khả năng các bên có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng 6 tới, nhất là khi bản thỏa thuận đang phải đối mặt với những công kích mạnh mẽ từ cả nội bộ Mỹ, Iran cũng như từ phía Israel - quốc gia vẫn luôn tìm cách “phá đám” bất cứ thỏa thuận nào về chương trình hạt nhân của nước láng giềng.
Nội công, ngoại kích
Theo thỏa thuận khung đạt được tại Lausanne, ngoài việc dừng hoạt động làm giàu uranium ở Fordo, Iran sẽ giảm hơn 2/3 số máy ly tâm đang vận hành dùng để làm giàu uranium xuống còn 5.060 chiếc. Iran cũng sẽ giảm lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp từ khoảng 10 tấn xuống còn 300 kg trong 15 năm và trong thời gian này không làm giàu uranium quá 3,67%. Số uranium dư sẽ được bảo quản dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Ngoài ra, Iran cũng thay đổi thiết kế của lò phản ứng nước nặng đang trong quá trình xây dựng ở cơ sở hạt nhân Arak để không thể sản xuất plutonium cấp độ vũ khí. Đổi lại, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc và các biện pháp trừng phạt riêng rẽ do Mỹ, Liên minh châu Âu đơn phương áp dụng sẽ được giảm nhẹ, dần dần gỡ bỏ, khi IAEA xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận. Ngay sau khi rời bàn đàm phán, những bên trực tiếp có mặt đã không tiếc lời ca ngợi bản thỏa thuận này. Tổng thống Mỹ Barack Obama hồ hởi gọi đây là “thỏa thuận lịch sử”, được “phụ họa” bởi Ngoại trưởng John Kerry khi khẳng định ngày 2/4 là một “ngày vĩ đại”. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng cộng đồng quốc tế “chưa bao giờ tới gần hơn một thỏa thuận ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân như bây giờ”. Nga thì nhìn xa hơn đánh giá thỏa thuận này sẽ có tác động tích cực tới tình hình chính trị Trung Đông vốn đang nhiều căng thẳng. Trong khi đó tại Iran, một đám đông những người ủng hộ chương trình hạt nhân của nước này tung hô chào đón Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và nhóm của ông khi họ từ Lausanne về nước.
Thế nhưng, những tin tức tốt lành từ Lausanne (Thụy Sỹ) đã không hoàn toàn được chào đón tại Mỹ, nơi mà nhiều nghị sỹ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa vẫn luôn tìm cách cản trở một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Các nghị sỹ tỏ ra hoài nghi về bản thỏa thuận và đe dọa sẽ tìm cách “lật kèo” hoặc áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới. Trong một bước đi mới nhất hôm 5/4, các Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa tiếp tục thúc đẩy Nhà Trắng cho phép Quốc hội có quyền phán xét đối với một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thượng nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết Thượng viện sẽ đưa dự luật liên quan tới Iran ra bỏ phiếu vào ngày 14/4 tới với lý do rằng dân chúng và cơ quan lập pháp cần phải được quyền can thiệp vào vấn đề hệ trọng này.
Với quan điểm đã thể hiện rất rõ từ trước đến nay của các nghị sỹ Cộng hòa, người ta có thể dễ dàng dự đoán rằng nếu có được cơ chế phải thông Quốc hội, hiệp định cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran sẽ được phê chuẩn hay là bác bỏ. Không chỉ ở Mỹ mà ngay tại Iran cũng có không ít chính sách tỏ ra thất vọng với bản thỏa thuận khung. Ông Hossein Shariatmadari, cố vấn của lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã ví von rằng “chúng ta đã chuyển giao con ngựa đã thắng yên và nhận về con ngựa đứt dây cương”. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại bày tỏ sự tiếc nuối khi cơ sở hạt nhân ngầm của Iran là Fordo không được tiếp tục sử dụng để làm giàu uranium, rằng thỏa thuận khung là “thảm họa đối với Fordo”.
Sự phản đối từ nội bộ Mỹ và Iran còn được cộng hưởng bởi một nhân tố rất tích cực trong mọi cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, đó là Israel. Ngay sau khi có tin tức về việc P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sử dụng mọi kênh thông tin để bày tỏ sự bất mãn của mình. Nhà lãnh đạo Israel cho rằng, thỏa thuận khung “đe dọa an ninh quốc gia, sự tồn vong của Israel” và tạo điều kiện dễ dàng hơn để Iran sở hữu bom hạt nhân. Sự phản đối của ông Netanyahu dựa trên lập luận rằng việc áp đặt hạn chế chương trình làm giàu hạt nhân của Iran chỉ là tạm thời. Nhưng sau một vài năm, Iran sẽ có quyền truy cập không giới hạn, và đó thực sự là một “ác mộng” với toàn khu vực. Bởi vậy, ông Netanyahu không che giấu ý định sẽ tiếp tục nỗ lực cản trở việc P5+1 và Iran có thể tiến tới một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 6 tới bằng việc hối thúc các nghị sỹ Mỹ “không dành cho Iran một con đường thuận lợi để sở hữu bom hạt nhân”, và rằng “vẫn còn đủ thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn và gây sức ép với Iran”.
Gian nan tới đích
Các nhà phân tích đều không phủ nhận rằng việc các bên đạt được thỏa thuận khung tại Lausanne (Thụy Sỹ) là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran trong suốt 12 năm qua. Thế nhưng, tiến trình đàm phán tiếp theo để đi tới thỏa thuận cuối cùng vào tháng 6 tới vẫn còn rất khó đoán định. Và rào cản lớn nhất mà các bên phải vượt qua chính là sự “phối hợp nhịp nhàng” giữa Israel và các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Sau khi đạt được bản thỏa thuận khung, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải cùng lúc tiến hành “2 mũi giáp công” để vượt qua rào cản này. Thứ nhất là trao đổi điện thoại với 4 nhà lãnh đạo tại Quốc hội Mỹ, gồm Chủ tịch Hạ viện John Boehner, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Thượng viện Harry Reid, và thứ hai là điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để trấn an rằng “không có một công thức hay sự lựa chọn nào có thể ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hiệu quả hơn các sáng kiến và khuôn khổ ngoại giao mà các bên đã đạt được tại Lausanne”, đồng thời không quên hứa hẹn sẽ sát cánh cùng Israel nếu Israel bị tấn công bởi bất kỳ quốc gia nào.
Song theo giới phân tích, các nghị sỹ Cộng hòa chắc chắn sẽ không từ bỏ quyền được đưa ra quyết định liên quan tới thỏa thuận cuối cùng đang được các bên đàm phán, và một sự chắc chắn không kém sẽ được dành cho nỗ lực của ông Netanyahu – bất chấp những cam kết từ đồng minh Mỹ. Và điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các nước P5+1 nhất trí với một loạt vấn đề, trong khi Quốc hội Mỹ lại không? Các đồng minh của Mỹ sẽ nghiêng về bên nào, P5+1 hay Quốc hội Mỹ? Đó là một trong những lý do khiến dư luận chưa cảm thấy chắc chắn về những gì các bên đã đạt được tại Thụy Sỹ.
Không chỉ phải “giải quyết” những lực lượng chống đối, sự thiếu chắc chắn của bản thỏa thuận khung còn thể hiện trong chính những điều khoản mà các bên đã đạt được. Hiện tại, thỏa thuận này vẫn cho thấy tính “bấp bênh” khi không nêu thời gian biểu cụ thể để Iran đáp ứng các cuộc điều tra của IAEA, không đề cập cụ thể tới việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt tương ứng với từng động thái tuân thủ cam kết của Iran…, chưa kể tới những điều khoản mang tính “dè chừng” nhau như kiểu sẽ cấm vận trở lại. Không những vậy, ngay cả cách công bố thông tin về kết quả theo kiểu “vừa thông báo, vừa nghe ngóng, vừa căn chỉnh” cũng cho thấy vẫn còn khá nhiều khúc mắc giữa các bên tham gia đàm phán. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi dư luận thế giới vẫn giữ một thái độ hết sức thận trọng khi nói về triển vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng trong vấn đề hạt nhân của Iran.
Thúy Ngọc