(Baonghean)- Những ngày này, cùng với tin tức ngày càng nóng về tình hình trên biển Đông, nhất là khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, những gia đình có chồng hoặc con là cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa nói chung và làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển Hoàng Sa nói riêng luôn dành được sự quan tâm lớn nhất.
Về Quỳnh Lưu, chúng tôi được thượng tá Võ Văn Đức, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện cho biết: Quỳnh Lưu có 8 cán bộ, chiến sĩ đang công tác dài ngày trên quần đảo Trường Sa, trong đó 2 người ở đảo Đá Tây, các đảo Đá Nam, Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, TS 18 và Trường Sa Đông mỗi đảo 1 người. Thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp trên biển Đông, huyện Quỳnh Lưu đã kịp thời thăm hỏi và tặng quà động viên các gia đình. Đây thực sự là nguồn động viên tinh thần rất lớn, thể hiện tấm lòng cả nước hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Hồ Bá Hoan, ở xóm Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng, có con là Thiếu úy Hồ Bá Thái đóng quân tại đảo Đá Nam. Năm nay Thái vừa tròn 25 tuổi, đi bộ đội đã được 5 năm và chưa lập gia đình. Gia đình rất phấn khởi vì môi trường quân đội đã giúp Thái trưởng thành, chững chạc hơn. Với bản tính nhanh nhẹn và khả năng giao tiếp tốt, sau khi huấn luyện xong, Thái được đi học ở Trường Kỹ thuật Hải quân 2 năm và học xong thì xuống làm kỹ thuật xuồng máy và ra đảo từ đó đến nay. Ông Hoan cho biết: từ ngày vào bộ đội, thỉnh thoảng Thái mới về thăm nhà và lần về gần đây nhất cách đây đã hơn 1 năm. Khi biết tin về tình hình biển Đông; đồng thời được cán bộ huyện, xã đến thăm, động viên, gia đình đã hiểu rõ hơn yêu cầu nhiệm vụ của con mình nên mỗi khi Thái điện về ông đều động viên con yên tâm làm nhiệm vụ.
Gia đình ông Hoan có 3 người con, trong đó Thái là con đầu, 2 em gái thì 1 em đã lấy chồng và 1 em đang học đại học. So với nhiều gia đình khác trong xã, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, bố làm nghề may, mẹ làm nông nghiệp, thu nhập thấp nhưng còn phải nuôi con ăn học. Ngôi nhà bố mẹ Thái đang ở vì thế rất đơn sơ, tuềnh toàng. Mỗi lần điện về Thái đều rất lo lắng và cho biết sẽ cố gắng cùng với bố mẹ sửa sang lại ngôi nhà….
Cùng xã Quỳnh Bảng và cách nhà Thái không xa là gia đình Trung úy Thái Bá Giao ở xóm Văn Học, hiện công tác ở đảo Đá Tây. Là con đầu trong gia đình, học hết phổ thông, Giao tham gia quân ngũ. 30 tuổi nhưng có 11 năm công tác và 8 năm ở đảo. Những năm trước, mỗi năm Giao được về 3 tháng nghỉ ngơi để gặp gỡ người thân. Tuy nhiên, do tình hình biển đảo phức tạp nên kể từ lần về gần nhất đã hơn 1 năm mà Giao chưa được về thăm gia đình. Thế nhưng đến gia đình anh Giao, điều mà chúng tôi rất mừng là phía sau anh có một hậu phương rất vững chắc. Ở nhà ngoài bố mẹ đang khỏe mạnh, Giao còn có một tổ ấm với đứa con gái nhỏ mới 3 tháng tuổi. Ông Thái Bá Hoàn, bố của Thái Bá Giao khoe: thời còn nhỏ, Giao đã thể hiện năng khiếu bơi lội, đi bộ đội được đồng đội khen là kình ngư của đơn vị. Mới đây Giao đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại đảo.
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, gia đình Giao có chú là liệt sĩ chống Mỹ, từ khi tình hình biển Đông căng thẳng, ông Hoàn thường xuyên động viên con phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, việc nhà đã có bố mẹ và các em lo. Mặc dù cầu mong cho tình hình biển Đông sẽ yên lặng trở lại nhưng ông Hoàn cũng cho rằng, nếu Tổ quốc cần thì không chỉ con trai ông ở tuyến đầu sẵn sàng cầm súng mà gia đình phải trở thành hậu phương vững chắc để các chiến sĩ đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Thông qua Báo Nghệ An, ông muốn nhắn gửi đến con trai và các đồng đội rèn luyện sức khỏe, yên tâm chắc tay súng vì ở nhà đã có ông bà và bà con chòm xóm đỡ đần, chăm sóc cháu...
Trong khi đó, anh Hồ Sĩ Thủy , 53 tuổi ở xóm Thọ Đồng, Quỳnh Thọ có lẽ là người lính biển lớn tuổi nhất. Anh thường xuyên công tác xa nhà nên vai trò trụ cột gia đình được giao lại cho vợ là chị Trần Thị Trí. Vừa đi làm ngoài đồng muối về, chị Trí cho biết: Anh Thủy là công nhân Công ty Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) đã được hơn 20 năm. Do thường xuyên vắng nhà nên mọi việc chị đều phải lo cả nên quen dần. Gần đây khi biết anh đang công tác ở đảo, lãnh đạo huyện đã đến thăm và tặng quà nên gia đình rất vui. Ngày trước, do nhà tạm bợ lại gần cửa sông Thơi nên mỗi chuyến công tác dài ngày anh rất lo lắng khi có bão gió. Rất may là trước khi đi đảo công tác dài ngày, anh đã sửa lại nhà khang trang kiên cố nên mẹ con chị không phải lo và anh cũng yên tâm hơn. Hiện nay mọi việc trong gia đình đều được chị sắp xếp ổn thỏa để anh yên tâm công tác. Băn khoăn lớn nhất của gia đình là việc làm cho con trai thứ 2 sau khi xuất ngũ…
Không chỉ các gia đình mà chúng tôi đến được, các gia đình còn lại như anh Trần Xuân Vương (xóm 5 xã Quỳnh Thuận) ở đảo Trường Sa, anh Dương Văn Quang (xóm 4, xã Quỳnh Đôi) ở đảo Nam Yết, anh Hồ Huệ (xóm 3 xã Quỳnh Hồng) ở Trường Sa Đông, Trần Văn Nhật và Trần Nguyên Phong (ở xóm 7 và xóm 6 xã Ngọc Sơn) ở đảo TS 18, đảo Sơn Ca…. đều được lãnh đạo huyện đến thăm và động viên. Cũng như nhiều gia đình Việt Nam yêu nước khác, hơn ai hết các gia đình có chiến sĩ, cán bộ đang công tác trên quần đảo Trường Sa càng quyết tâm và đồng lòng với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và dù không nói ra nhưng các mẹ, các chị ở hậu phương đang cố gắng sắp xếp thật tốt việc gia đình, hăng say lao động sản xuất, để các anh yên tâm chắc tay súng bảo vệ bình yên cho vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Nguyễn Hải