Có mặt tại vùng nuôi hàu ở dọc sông Mơ đoạn qua thôn Tân An, xã An Hòa (Quỳnh Lưu), thời điểm vào mùa thu hoạch nhưng do mất mùa nên số hộ có hàu thu hoạch rất ít.
Bà Nguyễn Thị Lộc, một hộ nuôi hàu cho biết, mỗi vụ gia đình bà nuôi 2 bè hàu trên sông. Mỗi bè như vậy hơn 650 vỏ hàu được xâu nối thành chùm rồi thả xuống dưới nước. Những năm trước, mỗi bè khi thu hoạch xong cho, gia đình bà lãi ròng 5 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, bước vào vụ nuôi này, gia đình bà thất thu vì hàu kéo lên không phát triển được do nạn vẹm kí sinh.
“Con vẹm bám kí sinh rất nhiều trên vỏ hàu, chúng lấy hết các vi chất trong nước khiến con hàu không phát triển được. Có nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng tiền giống để thả nuôi nhưng khi thu hoạch chỉ đủ vốn, thậm chí có nhiều hộ mất trắng”- bà Lộc cho biết.
An Hòa hiện có khoảng gần 70 hộ nuôi hàu với hơn 200 bè mảng được thả dọc tuyến sông Mơ. Trước đây, khi chưa có nạn vẹm phá hoại, những hộ nuôi nhiều từ 50 - 60 bè hàu đều cho thu lãi ròng từ 20 - 30 triệu đồng/năm. Nếu thu hoạch vào thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, giá hàu lên tới 180.000 - 200.000 đồng/kg; tuy nhiên thời điểm này không có hàu để bán.
Tại vùng nuôi hàu dọc tuyến sông ngập mặn Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai) cũng đều mất mùa do vẹm bám kí sinh. Ông Nguyễn Quang Hùng ở xã Quỳnh Lập nuôi 5 bè hàu bình thường cho sản lượng trên 1 tấn sản phẩm mỗi năm, sau khi trừ chi phí cho gia đình lãi ròng khoảng 70 triệu đồng. Do nạn vẹm phá hoại, kí sinh trên vỏ hàu khiến sản lượng thu hoạch của gia đình ông năm nay giảm hẳn.
“Khi kéo những xâu hàu lên, vẹm bám chặt quanh vỏ hàu, những con như vậy xem như không có ruột. Hơn nữa, trong những năm gần đây, việc nuôi hàu trở nên khó khăn hơn do nguồn nước bị ô nhiễm khiến sản lượng nuôi đạt thấp”, ông Hùng cho hay.
Để đối phó với nạn vẹm phá hoại, nhiều hộ nuôi hàu ở Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai ngoài nuôi hàu theo cách truyền thống, bà con tìm đặt mua giống hàu sữa ở tỉnh Thanh Hóa về nuôi. Theo bà con, nuôi giống hàu sữa có thể rút ngắn được thời gian từ 12 tháng xuống 6 - 7 tháng là cho thu hoạch, qua đó giảm nguy cơ vẹm phá hoại.