bna_tom_13345541_572020.jpgBà con nuôi tôm Quỳnh Lưu gặp nhiều khó khăn trong nuôi tôm vụ 1. Ảnh: Hồng Diện

Gia đình anh Hoàng Xuân Huy ở xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thả nuôi 80 vạn con tôm giống trong vụ 1. Được anh chăm sóc khoa học, cẩn thận và thường xuyên giữ nước trong ao được sạch sẽ... Mặc dù vậy, tôm nuôi của gia đình anh vẫn mắc phải bệnh phân trắng, hồng thân, chậm phát triển. Qua 4 tháng thả nuôi, nhưng sản lượng tôm chỉ đạt được 4 tấn trên tổng diện tích 8.000 m2, giảm 7 - 8 tấn so vụ 1 năm 2019.

Đặc biệt, tôm mất mùa nhưng nguồn thức ăn, thuốc men trong nuôi trồng thủy sản vẫn tăng khiến gia đình anh Huy càng thêm thua lỗ. Hiện tại, tôm loại 70 con/kg, chỉ bán với giá 100 nghìn đồng, giảm 40 nghìn, tôm loại 50 con/kg có giá 110 - 120 nghìn đồng, giảm 60 nghìn đồng, loại 30 con/kg chỉ có giá 170 - 180 nghìn đồng, giảm từ 110 - 120 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, tôm loại 30 con/kg chỉ có giá 170 - 180 nghìn đồng, giảm từ 110 - 120 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Hồng Diện

Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với hơn 186 ha. Tuy nhiên, vụ nuôi chính trong năm 2020 được xem là vụ nuôi khó khăn nhất. Toàn xã thu hoạch tôm vụ 1 được 350 tấn, giảm gần 200 tấn và 20 tỷ đồng so với nuôi tôm vụ 1 năm 2019.

Theo ông Hoàng Quang Dũng - Cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Bảng chia sẻ thì trong quá trình thả nuôi do môi trường nước, khí hậu thay đổi liên tục trong ngày; hơn nữa các con sông bị ô nhiễm, bồi lắng, chưa được nạo vét. Bên cạnh đó, nước từ các kênh mương sản xuất nông nghiệp và từ khu dân cư đổ ra sông, sau đó các hộ dân lấy nước vào ao xử lý để nuôi tôm; vì vậy nguồn nước không đảm bảo môi trường. Hơn nữa, chất lượng các giống tôm năm nay không đảm bảo, kéo theo thời gian nuôi dài, chi phí đầu tư lớn nên nên người nuôi tôm thua vốn.

Còn tại xã An Hòa có hơn 40 ha chuyên canh nuôi tôm, với hơn 200 hộ nuôi. Các hộ nuôi tôm ở địa phương này đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, năm nay có nhiều yếu tố bất lợi tác động nên diện tích tôm mắc dịch bệnh khá nhiều. Đối với số ít diện tích tôm sống sót, kể cả các loại giống có thương hiệu, uy tín trên thị trường đều sinh trưởng, phát triển chậm.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tôm thương phẩm của An Hòa cũng như các xã khác trong toàn huyện không xuất khẩu được mà chỉ bán ở thị trường trong nước. Vì vậy, giá cả thấp và không ổn định nên người nuôi tôm ở đây thất thu lớn.

Nhiều diện tích nuôi tôm ở Quỳnh Lưu đã thu hoạch xong, bà con đang xử lý ao hồ để tiếp tục thả nuôi vụ 2. Ảnh: Hồng Diện

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản xã An Hòa cho biết: Tôm vụ chính trong năm 2020 ở An Hòa bà con đã thua lỗ nặng. Thời điểm này, HTX đã tham mưu cho UBND xã chỉ đạo ban quản lý điều tiết nước đảm bảo cho vụ nuôi thứ 2. Vận động bà con xử lý ao lắng đúng thời gian, đối với các kênh cấp nước đề nghị cấp trên tiếp tục nạo nét.

Vụ 1 năm 2020, sản lượng nuôi tôm của huyện Quỳnh Lưu hơn 1.000 tấn, đạt 30% so với kế hoạch năm. Do tác động của nhiều yếu tố nên việc nuôi tôm ở các địa phương ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, chính vì vậy, bên cạnh sự chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thả tôm vụ mới của thì người nuôi cũng mong cấp trên quản lý chặt chẽ về chất lượng nguồn thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường ao nuôi trồng thủy sản./.