.
Từng bừng hội vật đầu Xuân ở xã Nam Nghĩa.


Những ngày đầu Xuân Canh Tý, các xã Nam Nghĩa, Nam Thanh, Nam Anh, Nam Xuân… của huyện Nam Đàn đều tổ chức đấu vật. Trong đó xới vật xã Nam Nghĩa được xem là đông vui nhất. Để hội vật đầu Xuân diễn ra tốt đẹp, các địa phương đã chuẩn bị khá chu đáo.
Tham gia đấu vật là các đô vật đủ các lứa tuổi đến từ nhiều xã trong vùng, trong đó nhiều nhất là thanh niên.
Trên các xới vật, những đô vật làng thoắt lùi, thoắt tiến, luôn cố gắng tìm sơ hở của nhau để cầm tay, gạt chân, quật ngã đối phương. Không khí xới vật vì vậy, lúc thì sôi nổi, lúc thì giằng co quyết liệt. Anh Nguyễn Đình Thành, một đô vật ở xóm 3, xã Nam Nghĩa cho biết: "Hội vật đầu Xuân đã trở thành hoạt động thường niên ở quê em. Ăn Tết ở quê hương, thật thích thú khi được đi hội để vật".
Mỗi khi đô vật nào đánh được một thế đẹp, trống hội lại thúc lên, tiếng reo hò lại ồn ào, náo động. Tiếng trống rộn ràng, thúc dục, luôn gắn liền với hội vật đầu Xuân.
Để thắng được đối phương, đòi hỏi đô vật không chỉ có sức khỏe dẻo dai, có kỹ thuật nhuần nhuyễn mà còn phải bình tĩnh, tự tin.
Ngoài đem lại tiếng cười rộn rã, niềm phấn khích cho người dân trong những ngày đầu năm mới, hội vật đầu Xuân còn là nơi giao lưu, học hỏi, gắn kết những tấm lòng quê, thắt chặt tình cảm xóm làng… Bất chấp điều kiện thời tiết, khi tiếng trống hội vật vang lên, người dân các địa phương đều nô nức đến xem và cổ vũ hội vật.
Anh Nguyễn Văn Lâm, một đô vật ở xã Nam Thanh chia sẻ:“ Xuân nào em cũng đi đấu vật. Hội vật đầu Xuân thật sự đã đem đến không khí vui Xuân, đón Tết tưng bừng, sôi nổi”.
Hội vật đầu Xuân, hấp dẫn người chơi, người xem, bởi chính đặc điểm tự thân của nó, ai đi xem cũng có thể tham gia, người chơi cũng là người xem và ngược lại.
Hội vật đầu Xuân thể hiện tinh thần thượng võ của người dân quê Bác và góp phần làm nên nét đặc sắc riêng của hội Xuân trên đất Nam Đàn. Trong ảnh: Các đô vật nhận phần thưởng khi thắng cuộc.