Liên quân do Mỹ dẫn đầu ngày 14/4 không kích các mục tiêu bị nghi sản xuất, lưu trữ vũ khí hóa học ở Syria bằng 105 tên lửa. Giới phân tích nhận định đòn không kích của liên quân Mỹ - Anh - Pháp không chỉ tác động đến Syria và khu vực, mà còn góp phần truyền thông điệp tới một quốc gia khác: Triều Tiên.
Đòn bẩy cho Trump
Theo CNBC, cuộc không kích hồi cuối tuần trước có thể mang lại lợi thế lớn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh ông chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến vào cuối tháng 5.
Dakota Wood, chuyên gia về quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation, cho rằng 105 tên lửa dội vào Syria sẽ truyền tín hiệu đến Bình Nhưỡng rằng Nhà Trắng muốn đối thoại nhưng họ cũng không ngại hành động.
Các cường quốc phương Tây vạch ra "lằn ranh đỏ" về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và họ đã có phản ứng, vậy nên "nếu Mỹ nói họ không chịu đứng im nhìn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, chính quyền Kim Jong-un giờ đây sẽ phải suy xét tuyên bố đó một cách cẩn trọng và cân nhắc tới những hệ lụy quân sự tiềm tàng", ông Wood cho hay.
Cách phản ứng trước cáo buộc tấn công hóa học ở Syria "mang đến cho Mỹ nhiều đòn bẩy lợi thế hơn khi tham gia các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề hạt nhân với Triều Tiên", Andrea Taylor, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Washington, nhận xét.
Nó còn góp phần "gia tăng uy tín của Mỹ trong cộng đồng quốc tế", vì thế, nếu Tổng thống Trump lúc này tung ra những cảnh báo mới nhằm vào Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ không thể "làm ngơ".
Hôm 16/4, tờ Korea Joongang Daily của Hàn Quốc gọi cuộc không kích từ liên quân Mỹ vào Syria "là lời cảnh tỉnh đối với Bình Nhưỡng", truyền đi thông điệp rằng nếu lãnh đạo Triều Tiên không dừng chương trình hạt nhân, tên lửa, họ có thể sẽ phải hứng chịu những đòn tấn công tương tự.
Giới chức Mỹ hy vọng hành động phô diễn sức mạnh ở Syria sẽ gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng, qua đó mở ra những đề xuất có ý nghĩa nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhất là tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim sắp diễn ra.
"Chính quyền Trump sẽ không thỏa mãn" nếu Triều Tiên chưa chấm dứt ít nhất là một phần các hoạt động hạt nhân, tên lửa, ông Bong Youngshik, chuyên gia về chính trị tại Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, bình luận.
Triều Tiên cảnh giác
Tuy nhiên, bên cạnh việc đem đến lợi thế trên bàn đàm phán cho Tổng thống Trump, cuộc không kích Syria cũng tiềm ẩn nguy cơ làm khơi dậy mối lo âu ở Bình Nhưỡng rằng nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ mất đi thế răn đe vốn có và mục tiêu tiếp theo phải hứng chịu tên lửa không ai khác chính là họ, giới quan sát nhận định.
Nếu Triều Tiên cảm thấy không an toàn, "họ chắc chắn sẽ giữ chương trình hạt nhân", ông Kim Hyun-wook, giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, nhận xét.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "có thể coi cuộc tấn công vào Syria là cái cớ để sản xuất, lưu trữ vũ khí hạt nhân như một biện pháp ngăn chặn", Catherine Dill, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Middlebury về Nghiên cứu Quốc tế ở Monterey, California, Mỹ, đánh giá.
Theo bà Jenny Town- Phó Giám đốc Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường Johns Hopkins về Nghiên cứu Quốc tế, dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây có chiều hướng lắng dịu sau khi ông Kim Jong-un được cho là đã thể hiện thiện chí đàm phán, nỗi lo âu về một tính toán sai lầm có khả năng dẫn tới bùng phát xung đột vẫn hiện hữu.
Cuộc không kích Syria của liên quân Mỹ đã khiến nỗi lo ấy càng dâng cao, dẫn tới các quốc gia liên quan đến cuộc khủng hoảng như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ trở nên sẵn lòng nhượng bộ với Triều Tiên hơn nhằm giữ động lực đối thoại.
"Hành động kiểu như vậy sẽ khiến căng thẳng gia tăng ở khu vực và từ đó cái giá cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ ngày càng cao", bà Town nhấn mạnh.
"Hôm nay là không kích Syria, thứ gì sẽ ngăn cản được ông ấy dội bom Iran hay Triều Tiên tiếp theo đây?", Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đặt câu hỏi. Ông chỉ trích quyết định không kích Syria của Tổng thống Trump là "bất hợp pháp" và "liều lĩnh".