HÀNH TRÌNH GIEO CHỮ TRÊN NON
Tháng 9 năm 1990, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học sư phạm miền núi Tân Kỳ, Nghệ An, cô Nguyễn Thị Lan được phân công lên công tác tại Trường Tiểu học Nhôn Mai, thuộc xã biên giới Nhôn Mai, huyện vùng cao Tương Dương.
Những năm đầu của thập niên 90, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là các xã vùng sâu vùng xa của huyện Tương Dương. Thời điểm đó để đến được xã Nhôn Mai là một hành trình rất đỗi vất vả và đầy rẫy những hiểm nguy. Chuẩn bị đầy đủ tư trang cô Lan phải bắt xe khách từ xã Tam Quang (nơi gia đình cô sinh sống) lên thị trấn Hòa Bình trước đây, nay là thị trấn Thạch Giám. Rồi theo các đồng nghiệp đi bộ đến trường. Quãng đường này cô đi mất gần 6 ngày.
Hành trình đến xã Nhôn Mai cũng cách đây gần 30 năm, nhưng cô Lan vẫn nhớ như in cuộc hành trình đầy gian khổ này.
Cô Lan kể “ban ngày cứ sáng tinh mơ là chúng tôi dậy đi, nhưng phải căn thời gian để khi trời tối phải đến một bản nào đó để xin ngủ nhờ. Hết ngày thứ nhất chúng tôi đến bản Kim Hòa (xã Kim Đa). Sáng hôm sau thức dậy thì chân sưng vù, tưởng không đi nổi nữa, nhưng được các anh chị động viên, mang hộ bớt đồ đạc cho, tôi lại tiếp tục hành trình. Ngày thứ hai tôi đến bản Chả Coong (xã Hữu Dương) xin nghỉ nhờ tại ký túc của giáo viên Trường Hữu Dương. Tiếp tục đến bản Nhãn Mai (xã Luân Mai). Cứ như vậy đến trưa ngày thứ năm thì tôi vào đến trường chính là bản Nhôn Mai. Từ điểm chính đến điểm lẻ tôi dạy là bản Na Lợt phải đi mất nửa ngày đường nữa”.
Một hành trình vất vả là vậy nhưng đến nơi thấy phụ huynh và học sinh chào đón rất niềm nở, nên sự mệt nhọc và nỗi nhớ nhà vơi đi phần nào. Thế rồi cô Lan bắt tay ngay vào công việc gieo chữtrên non của mình. Ở điểm trường này cô Lan được phân công dạy lớp 1 và lớp 2, khi đó gọi là dạy lớp treo, 2 lớp học 2 phòng (không giống như dạy lớp ghép bây giờ 2 lớp chung 1 phòng). Do đường xa, đi lại vất vả nên mỗi năm vào cô chỉ về nhà được dịp Tết và hè.
Vất vả là vậy, nhưng vì yêu nghề nên cô và các đồng nghiệp vẫn miệt mài mang con chữ đến với học sinh vùng biên. Thời điểm đó có khá nhiều giáo viên vì không thể vượt qua được sự khó khăn nên đã xin nghỉ dạy để tìm công việc khác. Dạy học tại đây từ năm 1991 - 2011 thì cô Lan lại chuyển đến một ngôi trường mới, cương vị mới.
GẶT HÁI NHỮNG QUẢ NGỌT
Ghi nhận những thành tích trong dạy học của cô Nguyễn Thị Lan, tháng 9 năm 2011 cô được cấp trên điều động về Trường Tiểu học Tam Đình giữ chức Hiệu phó. Tháng 9/2015 - 8/2016 giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thắng. Tháng 9/2016 - 8/2020 cô làm Hiệu phó Trường Tiểu học Tam Quang 2.
Trong gần 30 năm công tác trên cả 2 cương vị giáo viên và nhà quản lý, cô Nguyễn Thị Lan đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục.
Trong công tác quản lý, cô luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp quản lý giáo dục. Cùng với Ban giám hiệu nhà trường có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt để nâng cao chất lượng dạy và học của trường.
Với vai trò là Hiệu trưởng, cô đã có kế hoạch cụ thể, hiệu quả trong công tác tự đánh giá - kiểm định chất lượng đạt cấp độ 3; xây dựng thành công trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Đầu năm học 2019-2020 này, Trường Tiểu học Tam Quang 2 là 1 trong 2 trường đầu tiên của huyện Tương Dương, 1 trong 8 trường của tỉnh Nghệ An thiết lập thành công thư viện thân thiện bằng nguồn kinh phí vận động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường.
Đặc biệt, vừa qua cô Nguyễn Thị Lan là 1 trong 32 giáo viên của tỉnh Nghệ An được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây thực sự là vinh dự không chỉ của cô Lan, mà cả ngành Giáo dục huyện Tương Dương. Là sự ghi nhận và cũng là phần thưởng xứng đáng của Nhà nước dành cho cô sau gần 30 năm đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục. Trước cô Lan huyện Tương Dương chỉ mới có 2 giáo viên nhận được phần thưởng cao quý này.
Sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Cuối năm 2020 nhận thấy sức khỏe không còn đảm đương tốt cho công việc, cô Nguyễn Thị Lan đã viết đơn xin về nghỉ hưu sớm theo Nghị định 108 của Chính phủ.
Cô Nguyễn Thị Lan không chỉ tâm huyết, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, mà cô còn hy sinh lợi ích của bản thân cho tập thể. Chính vì vậy, cô luôn được cán bộ, giáo viên cũng như cấp trên đánh giá rất cao”.