(Baonghean.vn) - Trong suốt gần 5 năm ròng rã, 2 đội cắm mốc tỉnh Nghệ An ngược rừng, đạp núi cùng các lực lượng của nước bạn Lào để hoàn thành tăng dày những cột mốc chủ quyền đất nước.
Ngày 22/10/2009, tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) đã diễn ra Lễ khánh thành cột mốc quốc giới Việt Nam - Lào số 405. Đây là cột mốc đầu tiên trong 116 cột mốc thuộc 3 tỉnh của nước bạn Lào tiếp giáp với đường biên giới Nghệ An nằm trong Kế hoạch tổng thể về tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào được khánh thành. Đội khảo sát song phương Việt Nam-Lào bên cột mốc M12, được xây dựng từ năm 1980. Giáp giới Xiêng Khoảng (Lào) và Kỳ Sơn (Nghệ An), nay đã được tôn tạo lại. Tỉnh Nghệ An có 419 Km đường biên với 116 mốc quốc giới và 6 vị trí cọc dấu tiếp giáp 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bolykhămxay (Lào). Đặc thù của công tác cắm mốc đều hoạt động tại các địa hình rừng núi cao, rừng rậm, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa lũ thường xuyên gây ngập lụt,chia cắt ở nhiều nơi, gây rất nhiều khó khăn trên toàn tuyến. Bởi thế, sự đồng hành, đoàn kết của lực lượng cắm mốc song phương Việt Lào rất quan trọng và ý nghĩa. Đội trưởng đội cắm mốc Bôlykhămxay (Lào) Bun Lặm Xạ Nế Hả (bên trái) và đội trưởng đội cắm mốc số 2 Phan Thanh Hồng (Nghệ An) luôn sát cánh bên nhau trong những năm tháng chung hành trình cắm mốc. Vượt lên những muôn vàn vất vả, các đội cắm mốc của tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được hai nhà nước, ban chỉ đạo tỉnh giao. Đội trưởng đội cắm mốc Bôlykhămxay là Bun Lặm Xạ Nế Hả và các đồng chí phía bạn lúc sang phối hợp song phương cùng phía ta thường “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Vượt suối, băng rừng là "chuyện thường ngày" của người đi cắm mốc. Địa bàn cắm mốc của Đội cắm mốc số 2 thuộc đoạn biên giới tỉnh Nghệ An với tỉnh Bô Ly Khăm Xay - Lào dài 155 km theo kế hoach tổng thể tôn tạo và tăng dày 39 mốc (trong đó có 1 mốc đại tại cửa khẩu Thanh Thuỷ, 12 mốc trung và 26 mốc tiểu). Đoạn biên giới này được xác định là một trong những địa bàn có những vị trí mốc tôn tạo và tăng dày khó khăn gian khổ nhất trong 10 cặp tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào, sông, suối nhiều, núi hiểm trở, có nhiều km đường biên giới, xa các trung tâm hành chính các xã biên giới. Đặc biệt, tại địa bàn Xã Môn Sơn (Con Cuông), xã Tam Quang (Tương Dương) có những mốc phải đi bộ mất 10 - 15 ngày. Các thành viên đội cắm mốc phải hành quân cả đường sông cả đường bộ cự ly lên đến 60 km, nhiều vị trí mốc không có nước, chưa kể vào mùa khô nước càng khan hiếm, về mùa mưa lại càng nguy hiểm do sạt lở núi, lũ ống lũ cuốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Suốt trên lộ giới của mình, họ đã phải đi qua các huyện kéo dài từ Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương cho đến Kỳ Sơn. Bước chân của người đi cắm mốc đôi khi vẫn có khoảng ngừng nghỉ trên đường hành quân. Đơn giản chỉ vì được... ngồi thuyền ngược sông. Những sông Giăng, Nậm Nơn, Nậm Mộ... đều đã in bóng họ trong hàng trăm chuyến đi về suốt 5 năm hành trình. Trên những tuyến đi mở lối ấy, núi được coi là thấp cũng phải từ 700- 800mét, còn có những đỉnh đến 1.800m, thậm chí còn phải lên đến tận đỉnh Phuxailaileng cao 2.711m, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Bởi thế, câu chuyện hậu cần cũng không hề là chuyện bình thường. Bởi mỗi đoàn đi thường phải thuê cả chục người bản địa đi cùng để gùi nước, vật dụng. Mỗi bữa cơm giữa rừng già, nơi "đất cao, trời thấp" là cả một cuộc chiến với độ cao, với khí hậu ẩm ướt... Một khu bếp dã chiến ở nơi đầu nguồn 3 con thác thuộc xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Những khu lán trại dã chiến ven suối là điểm cắm chốt của người đi dựng mốc. Mỗi kg xi măng, cát hoặc mỗi viên gạch đưa lên đây đều phải mang bằng ý chí, bởi khó có thể đo đếm được bằng địa lý khi qua suối, qua sông, qua núi qua đèo... Những mốc như 418, 419 nằm trên địa bàn xã Mường Ải với độ cao trên 2000m, độ dốc 45 độ, không có đường đi chỉ có thể bám vào vách đá để lên thì việc vận chuyển được hàng tấn xi măng, gạch, đá, sắt thép lên xây dựng là cả kỳ tích; hoặc mốc nơi đỉnh Pù Sai Lai Leng (2721m), ở xã Nà Ngoi, huyện Kỳ Sơn - thì đó mới là thử thách cực độ. Không chỉ dựng mốc bên mình, những người cắm mốc Việt Nam còn trần lưng, căng sức để mang từng chút vật liệu lên dựng mốc bên phía bạn. Đồng chí Tha Nu Xỉn Lạt Xa Chắc, Đội phó kỹ thuật tỉnh Bô Ly Khăm Xay, người đã song hành cùng đội cắm mốc phía ta suốt hơn 2 năm, qua các mốc 432, 433, 434 đã rất xúc động khi nhớ về những ngày làm việc cùng các bạn Việt Nam "Cho dù nắng , mưa, dốc dựng đứng, suối sâu, nhưng các bạn Việt Nam vẫn có ý chí sắt đá và tận tâm, tận lực cùng giúp chúng tôi nhiều lắm" Mốc 397 phía Mường Quăn (Hủa Phăn - Lào) đã được ta giúp bạn hoàn thiện Mốc 397 - 1 (Mỹ Lý - Kỳ Sơn) được chuyển lên điểm dựng. Nơi đây có 3 mốc trung 397, mỗi mốc nặng chừng 300kg. Vào được điểm dựng mốc, tính từ Mường Xén hết hơn 85km. Được chuyển bằng ô tô, thuyền, tời qua thác, khiêng và gánh bộ. 3 chặng cuối gùi, khiêng, gánh bộ chỉ chưa đầy 1 km nhưng lại khó nhọc nhất bởi đưa được tổng khối lượng trên 6 tấn lên dốc núi là không đơn giản; bên cạnh đó là phải đào đắp gần 100m3 đất, phát quang 400m2 cây. Đông đảo nhân dân gánh trên vai cột mốc biên cương lên vị trí cắm mốc. Ảnh: Lê Thạch Để đảm bảo chính xác, các vị trí cắm mốc trên tuyến biên giới Việt - Lào được xác định cẩn thận bằng máy định vị. Ảnh: Lê Thạch. Chung niềm vui đoàn kết Việt - Lào ngày khánh thành cột mốc đại 405. Mốc đầu tiên trong quá trình tôn tạo, tăng dày suốt 5 năm qua. Trần Hải