(Baonghean) - Gắn với mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Đô Lương tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Chương trình này đang thực sự tạo ra được khí thế mới trong sản xuất và đời sống cho bà con nhân dân huyện nhà.
Những ngày này, bà con nhân dân xã Trung Sơn đang tập trung chăm sóc lúa và rau màu. Trên các cánh đồng, thửa ruộng bạt ngàn màu xanh của lúa, bí, dưa chuột đang thì ra hoa, phát triển. Gặp chúng tôi khi đang chăm sóc cây bí, chị Nguyễn Thị Mai - xóm 7 vui vẻ: sau dồn điền đổi thửa xây dựng Nông thôn mới, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống đường nội đồng rộng, kênh mương tưới tiêu đảm bảo nước tưới về tận chân ruộng nên chúng tôi yên tâm sản xuất, hiệu quả đạt 10 triệu đồng/sào, tăng gấp 5 lần so với trồng lúa trước đó.
Sau hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới, Trung Sơn đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới phấn đấu cuối năm 206 sẽ về đích. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường nội đồng và giao thông nông thôn lầy lội. Xã đã vận động nhân dân đóng góp 410 ngàn đồng/khẩu, mỗi xóm góp từ 40 - 50 triệu đồng, lắp đặt 1.300 cống thủy lợi, làm mới 4,5 km kênh tiêu chính, các tuyến nội đồng đảm bảo 5m, nâng cấp 2 trạm bơm, 1400 kênh nhánh. Nhờ quy hoạch được hệ thống giao thông nội đồng và thủy lợi đồng bộ, đến nay xã đã quy hoạch trồng 220 ha sản xuất lúa hàng hóa, 80 ha màu vụ đông trên đất lúa. Hiệu quả sản xuất tăng gấp 3 lần trước đó, thu nhập năm sau cao hơn năm trước từ 0,5 - 0,8% so với chỉ tiêu kế hoạch sản xuất hàng năm.
So với nhiều địa phương về đích nông thôn mới của huyện, hệ thống đường giao thông nội đồng của xã Hòa Sơn được đầu tư khá bài bản. Toàn xã hiện có trên 320 ha đất sản xuất lúa. Cơ bản toàn bộ diện tích đã được chia theo Nghị định 64 nên tâm lý người dân không muốn thay đổi. Ông Nguyễn Cao Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: Cách làm của xã là bung toàn bộ diện tích đất ruộng để quy hoạch và chia lại ruộng. Xã huy động dân đóng góp từ 28 - 35 kg/sào, trong hai năm đã huy động kinh phí đóng góp từ nhân dân gần 2 tỷ đồng.
Đến nay toàn xã đã cấp phối, đổ bê tông 76 tuyến giao thông nội đồng đảm bảo 3 - 9m, xây dựng 8km kênh tưới, lắp trên 3.500 cống các loại. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2015, toàn xã đã quy hoạch trồng trên 100 ha lúa hàng hóa, 45 ha nuôi trồng thủy sản, 14 gia trại, trang trại cho thu nhập 80 - 250 triệu đồng/mô hình/năm. Nhờ vậy, thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất tăng 15 - 20% so với trước. Đây được xem là tiêu chí cứng đưa xã sớm hoàn thành về đích nông thôn mới.
Đến nay, toàn huyện huy động được 250 tỷ 429 triệu đồng để xây dựng, nâng cấp 1.568 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, 18 ngàn cầu, cống dân sinh. Xây mới, nâng cấp 66 công trình trạm bơm, hồ đập, công trình thủy lợi, kiên cố, nâng cấp 858 km kênh mương, cải tạo 6 km đê, bờ bao chắn lũ, với tổng kinh phí huy động 139 tỷ đồng.
Nhiều xã như Yên Sơn, Thái Sơn, Tân Sơn, Thịnh Sơn, Tràng Sơn đảm bảo hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương bê tông ra tận khắp các cánh đồng, thửa ruộng. Từ cuối năm 2014 trở về trước, cơ bản hệ thống đường giao thông nội đồng của huyện Đô Lương chưa được cứng hóa, đường nhỏ hẹp, tối đa chỉ đạt 2 - 2,5m.
Đặc biệt, do chưa triển khai dồn diền đổi thửa nên ruộng đồng manh mún, bờ vùng, bờ thửa chưa đáp ứng. Xác định giao thông là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy nhanh quy hoạch lại cơ sở hạ tầng đồng ruộng, xây dựng các tuyến đường chính, phụ, kênh mương, trạm bơm tưới, chỉ đạo dồn điền đổi thửa trên diện rộng. Huy động xã hội hóa, tranh thủ các chương trình dự án như đường giao thông Tràng - Minh, Tân - Thịnh, Quang - Nhân.
Trao đổi về hiệu quả trong công tác đầu tư hạ tầng giao thông cho phát triển sản xuất, ông Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Huyện chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa trên 600 máy cơ giới hóa vào sản xuất, trên 85% lao động được thay thế bằng máy móc. Nhờ vậy, đến nay huyện đã phát triển 30 mô hình trồng dưa chuột, bầu bí, rau màu cao cấp cho thu nhập 70 - 100 triệu đồng/ha ở Xuân Sơn, Lưu Sơn, Tân Sơn, Thái Sơn, Thượng Sơn, Giang Sơn Đông, trên 100 ha nuôi trồng thủy sản tại Thị trấn, xã Yên Sơn, Thịnh Sơn mỗi năm cơ cấu 2 vụ lúa, 1 vụ cá thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Mô hình 1.500 ha lúa chất lượng cao tại Yên Sơn, Văn Sơn, Hòa Sơn, mô hình 200 ha chuyển đổi diện tích lúa, màu cao cưỡng sang trồng mía hàng hóa tại Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây. Các mô hình tạo nên hơi thở cuộc sống mới cho các vùng quê trên đà đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Để có được hiệu quả thực sự cho các mô hình, việc quan tâm đầu tư đạt chuẩn hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, giao thông nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay huyện cơ bản ngoài hoàn thành về đích nông thôn mới (7 xã). Những địa phương còn lại, ví dụ như 25 xã trong lộ trình về đích nông thôn mới đến năm 2020 và 8 xã về đích trong năm 2016 như Lưu Sơn, Đặng Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn... còn gặp nhiều khó khó khăn về nguồn xi măng.
Trong điều kiện khó khăn về kinh phí của địa phương, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đứng ra ứng trước 6.000 tấn xi măng từ tập đoàn Visai, hỗ trợ 200 - 400 tấn/xã, chỉ đạo các xã ưu tiên lồng ghép các chương trình dự án đường giao thông thủy lợi, điện, đường, trường, trạm; chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp với các xã ứng dụng tiến bộ KHKT nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất như lúa chất lượng cao, trồng thanh long đỏ hạt, rau màu vụ đông cao cấp trên đất lúa...
Lương Mai