(Baonghean.vn) - Khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, tìm hướng đi mới, ứng dụng KHKT, đẩy mạnh quảng bá… đó là những cách làm hay để Nghệ An nâng hạng "sao" cho các sản phẩm OCOP.
14/08/2020 - 08:10
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Sản phẩm trà xanh của HTX Minh Sáng, xã Hùng Sơn (Anh Sơn) là một sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao trong chương trình OCOP. Ông Võ Văn Đồng - Chủ nhiệm HTX Minh Sáng cho biết: Gia đình ông có trên 4 ha chè công nghiệp, hiện nay mỗi năm cho thu hoạch trên 120 tấn chè búp tươi. Vùng nguyên liệu chè Hùng Sơn khí hậu trong lành, được chăm sóc theo quy trình VietGAP rất thích hợp để xây dựng nên thương hiệu chè sạch. Phía JICA Nhật Bản cũng đã về tìm hiểu có hướng đầu tư.
Nông dân Anh Sơn thu hoạch chè. Ảnh tư liệu: Huyền Trang
Được biết, từ mong muốn đưa sản phẩm chè búp của gia đình ra thị trường, năm 2016, ông Đồng đã ra tận tỉnh Thái Nguyên học cách chế biến chè chất lượng cao, sau đó về đầu tư 1,2 tỷ đồng mua máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất chế biến trà sạch.
Khi bắt tay vào sản xuất, ông Đồng đã tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc không dùng hóa chất để kích thích sinh trưởng và được bón bằng các chế phẩm sinh học, búp chè được hái hoàn toàn bằng tay để tránh dập nát hoặc lẫn chè không đạt yêu cầu và phải đảm bảo chất lượng “một búp, hai lá”, ngoài ra sản phẩm trà cũng không dùng các chất phụ gia lấy hương, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.Với hướng đi đó, sản phẩm trà xanh Minh Sáng nhanh chóng khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
Sau khi thương hiệu chè sạch được thị trường chấp nhận, ông Võ Văn Đồng đã thành lập Hợp tác xã chè xanh Minh Sáng, chuyên sản xuất, chế biến trà xanh truyền thống chất lượng cao, hảo hạng. Với cách đi riêng, trọng chữ tín, Trà xanh Minh Sáng là niềm tự hào của vùng chè Hùng Sơn và của huyện Anh Sơn. Năm 2019, HTX sản xuất được 5 tấn chè khô, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu đồng. Hiện nay HTX tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An công nhận cho sản phẩm Trà xanh Minh Sáng đạt hạng 3 sao tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019. Đối với Công ty CP sản xuất nấm ATC (TP. Vinh), để xây dựng thành công sản phẩm OCOP như hiện nay quả thực không đơn giản.
Khách hàng xem sản phẩm của Công ty CP sản xuất nấm ATC. Ảnh: Trân Châu
Ông Trần Đình Toàn - đại diện công ty này cho biết: Khoa học, kỹ thuật, niềm đam mê và con người là những yếu tố cốt lõi để thành công. Để có sản phẩm nấm chất lượng cao, đảm bảo cho sức khỏe con người, việc ứng dụng KHCN vào sản phẩm là tất yếu. Quy trình sản xuất, thu hái và chế biến nấm sau thu hoạch phải đảm bảo đúng trình tự sản xuất, có phương án phù hợp với môi trường khi thời tiết thay đổi,...Thời gian thu hoạch phải phù hợp với thời gian sinh trưởng và phát triển của sản phẩm. Sử dụng tối đa các máy móc, thiết bị, công nghệ vào các công đoạn sản xuất, ước đạt 80%. Việc chế biến sau thu hoạch được xử lý bằng máy móc công nghệ cao đảm bảo về chất lượng và số lượng của sản phẩm.
Về quy trình sản xuất phôi nấm, ông Trần Đình Toàn cũng cho biết, công ty sử dụng công nghệ đóng phôi, hấp phôi tự động nên giảm được lượng nhân công đáng kể, chất lượng sản phẩm đảm bảo độ đồng đều cao. Công nghệ sản xuất bịch phôi nấm được áp dụng hệ thống máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất khép kín từ khâu sàng trộn mùn cưa, phối trộn mùn cưa với bông hạt, đóng bịch nấm, vận chuyển vào lò và hấp thanh trùng. Chỉ cần 3 công nhân (giảm 50% so với các cơ sở khác đang thực hiện) đã có thể thực hiện các quy trình trên mà vẫn đảm bảo chất lượng, thời gian và yêu cầu kỹ thuật.
Đối với lò hấp thanh trùng, công ty sử dụng lò hơi vận hành tự động hoàn toàn, sử dụng công nghệ đốt nóng nước trực tiếp để lấy hơi nước vào lò hấp. Các bịch phôi sau khi hấp được xử lý đồng đều, thời gian rút ngắn được 1/3 so với lò hấp các đơn vị đang sử dụng. Nhà nuôi trồng nấm được thiết kế bằng khung thép vững chắc, phía trên bố trí 2 mái lợp tôn xốp cách nhiệt để thông gió làm mát vào mùa hè là mùa rất nóng ở Nghệ An.
Bên trong bố trí hệ thống giàn giá bằng thép, phía trên bố trí hệ thống phun sương tự động, bên dưới bố trí nước xả để điều tiết nhiệt độ và độ ẩm khi cần thiết. Với cách bố trí này, trong những ngày nắng nóng thì nấm vẫn ra đều trong các nhà trồng.
Đối với công nghệ sấy nấm linh chi, mộc nhĩ sau khi thu hoạch đều phải thực hiện sấy khô để sử dụng. Công ty đang sử dụng máy sấy tự động nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc với công nghệ sấy hồng ngoại.
Sản phẩm nấm linh chi của Công ty CP sản xuất nấm ATC (TP. Vinh). Ảnh: Lâm Tùng
Không chỉ ở HTX sản xuất Trà xanh Minh Sáng, Công ty sản xuất nấm ATC, mà Công ty CP Khoa học xanh Hidumi Pharma ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), việc đầu tư hàng chục tỷ đồng vào sản xuất cùng với việc nhờ tới tư vấn quốc tế (GS.TS Franz Peter Monforts (CHLB Đức) trong tất cả các khâu từ sản xuất giống tảo, quy trình nuôi, mở rộng sản xuất, thu sinh khối, xử lý sinh khối, thu sản phẩm, sấy, xay… đến khâu cuối cùng là cho ra sản phẩm, để từ đó có sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành.
Chú trọng khâu quảng bá
Ở Công ty CP sản xuất nấm ATC, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm được chú trọng. Trong điều kiện mới khởi nghiệp nhiều khó khăn, công ty tập trung bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, xây dựng, thiết kế bao bì, nhãn mác đảm bảo đẹp, chất lượng, đặc trưng thân thiện với môi trường cho sản phẩm; đăng ký QR code, mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm,... Đối với HTX thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu), với đa dạng sản phẩm thổ cẩm, đặc biệt là các sản phẩm tơ tằm tự nhiên, hiện sản phẩm của HTX đã ra Hà Nội, đến với bạn bè thế giới.
Thu hoạc bông ở Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: P.V
Để có được thành công đó là do HTX liên kết với Trung tâm Nghiên cứu liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ CRAFT LINK Hà Nội để giới thiệu hàng, coi đây là đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại Thủ đô, nơi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được yêu thích.
HTX còn lập ra các trang web, các facebook để giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Nhờ vậy, sản phẩm thổ cẩm Châu Tiến đang ngày một tiến xa.
Đối với nhiều sản phẩm OCOP khác, có thể nói nếu không làm tốt khâu quảng bá rất khó đến với người tiêu dùng.
Khách hàng tham quan gian hàng thổ cẩm Quỳ Châu ở thành phố Vinh tại Hội nghị Thi đua yêu nước. Ảnh: Quang An
Chị Sầm Thị Khuyên - một thành viên của HTX cho biết, dịp trước khi có dịch Covid-19, mỗi tháng mỗi thành viên có thể có thu nhập từ 3-5 triệu đồng từ thổ cẩm, gia đình có nhiều thành viên thành thạo thì thu nhập cao hơn.
Tháng 2/2020, có 48 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP và gắn 3 - 4 sao cấp tỉnh là nguồn động viên lớn đối với những gương khởi nghiệp và các sản phẩm nông thôn tiêu biểu ở Nghệ An. Thành công ban đầu này vẫn cần được các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, gìn giữ phát triển thành quả, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng.
(Baonghean.vn) - Hiện nay, trong 48 sản phẩm OCOP được gắn sao cấp tỉnh, có khoảng 40% sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Mỗi một đơn vị, địa phương đều có cách làm riêng để tạo nên thương hiệu cho sản phẩm của mình.