Sản phẩm OCOP ở Nghệ An đang ‘loay hoay’ tìm kiếm đầu ra
(Baonghean.vn) - Sau 1 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Nghệ An hiện có 48 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Trong đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao và 33 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
20/06/2020 - 15:17
Khó khăn trong tiêu thụ
Là 1 trong 2 sản phẩm của huyện Tân Kỳ được phân hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, song sản phẩm trứng gà Nghĩa Hoàn của hộ sản xuất Nguyễn Cao Cường vẫn gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm đầu ra. Để được gắn sao, đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, quy định tại Quyết định 048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, quy trình chăn nuôi để cho ra sản phẩm trứng gà chất lượng khá công phu và tốn kém từ khâu chọn giống, chọn thức ăn, nước uống, tiêm phòng dịch... đến khâu đóng gói bao bì, nhãn mác.
Kỳ vọng của anh Cường là sau khi được gắn sao OCOP thì sẽ mở ra hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm trứng gà; nhưng hiện trứng gà của anh vẫn bán lẻ qua các chợ, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện với số lượng hạn chế.
Các hộ gia đình tại xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) mong muốn sản phẩm trứng gà Nghĩa Hoàn được kết nối, tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc
Đáng nói, mặc dù chi phí để sản xuất ra trứng gà chất lượng OCOP tốn kém hơn nhiều so với trứng gà chăn nuôi đại trà khác, song giá cả của trứng gà OCOP vẫn bị “cào bằng” với giá thị trường và vẫn khó tiêu thụ. “Mong muốn của tôi là sản phẩm trứng gà Nghĩa Hoàn được kết nối, tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị trong và ngoại tỉnh; được các trường học, nhà hàng, khách sạn chọn lựa làm thực phẩm. Điều này, rất cần sự đồng hành, chung sức của các cấp, các ngành”, anh Nguyễn Cao Cường chia sẻ.
Theo kết quả đánh giá phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm năm 2019” của UBND tỉnh thì huyện Thanh Chương có đến 7 sản phẩm được “gắn sao” (trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao). Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn đang còn là bài toán khó đối với các hộ sản xuất, các HTX.
Được UBND tỉnh chứng nhận đạt chuẩn 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP, chè xanh Thanh Chương do HTX Nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức sản xuất hiện đã hoàn thiện các tiêu chí về chất lượng sản phẩm và đóng gói bao bì, dán nhãn mác bài bản.
Tuy nhiên, hiện tại, đầu ra cho sản phẩm chè xanh Thanh Chương vẫn cứ khó khăn. Ông Phạm Bá Châu - Giám đốc HTX chè xanh Thanh Chương cho biết: “Sản phẩm chè xanh Thanh Chương mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh, song thị trường, thị phần vẫn rất hạn chế. Đầu ra chủ yếu vẫn do các thành viên trong HTX tự xoay xở, liên hệ, kết nối, bán lẻ trên thị trường tự do là chính”.
Người trồng chè băn khoăn vì giá thu mua đầu vụ thấp hơn năm trước. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Thanh Chương có nhiều loại cây, con đặc sản, trong đó có nhiều sản phẩm được công nhận, gắn sao OCOP như: Chè xanh, hương trầm, cam, gà đồi, trám đen... Tuy nhiên, việc kết nối với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào các siêu thị, vào các hệ thống bán lẻ dường như chưa có”.
Không chỉ các hộ sản xuất nhỏ lẻ, mà các HTX hay các doanh nghiệp, công ty TNHH có sản phẩm được gắn sao OCOP cũng gặp khó trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình. 48 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, xếp loại năm 2019 của Nghệ An hầu hết đang “loay hoay” tìm kiếm đầu ra.
Cần những “cầu nối”
Trong khi các sản phẩm OCOP nội tỉnh bí đầu ra, thì các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tỉnh lại phải nhập hàng, tìm kiếm sản phẩm từ các tỉnh, thành khác về bán. Riêng tại siêu thị BigC Vinh, có đến 18.000 mã hàng nông sản, thực phẩm, trong đó 96% là hàng Việt Nam song số mặt hàng nông sản của Nghệ An chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
“Nút thắt” lớn nhất hiện nay khiến cho các sản phẩm OCOP của tỉnh chưa thể vươn xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, người tiêu dùng hầu như chưa biết đến sản phẩm OCOP.
Tại các siêu thị, sản phẩm OCOP nội tỉnh vắng mặt trên các kệ hàng. Ảnh: Thanh Phúc
Nguyên nhân do các chủ thể tham gia OCOP đều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Các sản phẩm OCOP tuy có chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển, song hầu như việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu, bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt và tạo ra sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng... chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT nhấn mạnh: “Để chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chí OCOP, thì việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất là hết sức quan trọng. Chất lượng sản phẩm được quan tâm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ có những đơn hàng, hợp tác tiêu thụ bền vững. Từ đó, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo đúng mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị của chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Chủ thể tham gia OCOP đều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Ảnh: Sản phẩm tương Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Phúc
Được biết, nhằm giúp các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường, dự kiến trong quý III/2020, Sở Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP giữa Nghệ An và các tỉnh, thành trong cả nước; giữa các nhà sản xuất và các nhà tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các đoàn đi giao thương, kết nối cung cầu với các nhà phân phối, các hệ thống bán lẻ để tìm kiếm đầu ra ổn định và bền vững. Về phía cơ quan chuyên môn, Chi cục Phát triển nông thôn đã trình Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt dự toán để hỗ trợ các sản phẩm đạt sao in tem truy xuất nguồn gốc kết hợp logo OCOP của tỉnh, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu; Xây dựng chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP theo hướng tiếp cận sát với yêu cầu của người tiêu dùng, yêu cầu của các siêu thị đối với từng sản phẩm; hình thành hệ thống cung ứng các sản phẩm OCOP trên địa bàn cả tỉnh và liên kết với các tỉnh khác để đặt các điểm bán hàng OCOP.
(Baonghean.vn) - Tỉnh Nghệ An vừa công bố 48 sản phẩm OCOP năm 2019 đạt 3 sao trở lên. Đây là kết quả của các địa phương, đơn vị sau 1 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.