Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm 12, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) sản xuất gần 1,5 sào cây hành tăm. Tính thời gian sinh trưởng, phải sang tháng 2 âm lịch cây hành tăm mới đến độ thu hoạch. Thế nhưng, từ sau Rằm tháng Giêng đến nay, khi các tư thương thu mua hành tăm với giá cao hơn so với năm ngoái nên chị bắt đầu thu hoạch.
“Để thêm vài tuần nữa cây hành sẽ chắc củ hơn, sản lượng tăng cao nhưng khi đó đã vào đại mùa, không biết giá cả có còn được như bây giờ không. Do vậy, chúng tôi thu hoạch sớm cho chắc ăn” – chị Nhung chia sẻ.
Mặc dù hành tăm chưa đến độ “già” nhưng bán được giá cao nên người dân Nghi Lộc vẫn thu hoạch. Ảnh: Nhật Tuấn Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều hộ dân trồng hành của huyện Nghi Lộc. Năm nay, toàn huyện trồng khoảng 150 ha hành tăm, tập trung nhiều ở xã Nghi Lâm và Nghi Thuận; năng suất xấp xỉ 7 tạ/sào. Theo thời vụ, khoảng giữa tháng 2 âm lịch sẽ thu hoạch rộ. Thế nhưng, những ngày áp Tết sau Nguyên đán Mậu Tuất, tư thương đã bắt đầu thu mua hành tăm với giá cao đến 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Vào thời điểm đó, người trồng hành còn tập trung gieo cấy lúa, lạc, lo sắm tết nên ít người có điều kiện thu hoạch. Sau rằm tháng Giêng, hành được thu mua 30.000 - 32.000 đồng/kg. Mấy ngày gần đây, giá còn khoảng 20.000 -23.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với năm ngoái 15.000 đồng/kg thì mức giá hiện tại vẫn được người trồng hành chấp nhận. Nếu giá ổn định, mỗi sào hành tăm cho thu nhập 14 -15 triệu đồng. Do vậy, việc tranh thủ thu hoạch sớm là giải pháp được nhiều người trồng hành lựa chọn.
Hành tăm sau khi thu hoạch về được các hộ dân làm sạch trước khi xuất bán. Nếu để chậm, hành sẽ bị hao cân. Ảnh: Nhật Tuấn Việc thu hoạch hành tăm cũng cần nhiều thời gian. Nhà đông người, mỗi ngày thu hoạch được 60 -70 kg. Hành củ đưa ngoài đồng về phải được nhặt sạch rác, rễ. Hành chưa đủ độ già, rễ còn tươi nên việc làm sạch sẽ lâu hơn. Bù lại, người trồng hành không phải vất vả tìm mối tiêu thụ mà có người đến tận nhà thu mua.
Hành tăm hiện có giá từ 20.000 -23.000 đồng/kg. Ảnh: Nhật Tuấn Thương lái là những nông dân địa phương có vốn liếng và tìm được mối tiêu thụ. Như ở xã Nghi Lâm hiện có trên chục người làm nghề này. Chị Nguyễn Thị Nga - một người thu mua hành tăm ở xóm 13, xã Nghi Lâm cho biết: Bình quân mỗi ngày chị thu gom một tấn củ hành tăm. Trước khi đóng bao vận chuyển, hành phải được lựa lại một lần nữa. Hành được nhập cho các mối thu mua ở thành phố Vinh và một số huyện lân cận; trừ chi phí, chị Nga thu lãi 1-1,5 triệu đồng/ngày từ dịch vụ này.