P.V: Anh luôn tự nhận mình là người hạnh phúc. Vậy theo anh, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là đích đến hay là quá trình tìm đến đích? Liệu các giá trị hạnh phúc là bất biến hay là nó thay đổi theo thời gian, tâm lý?
Anh Nguyễn Hoàng Hà: Tôi tự nhận mình là người hạnh phúc bởi bản thân đã luôn cố gắng và được làm những gì mình yêu thích. Có rất nhiều khái niệm về hạnh phúc và mỗi người, mỗi thời điểm trong cuộc đời của một con người lại nhìn nhận và định nghĩa về hạnh phúc khác nhau. Hạnh phúc vừa là đích đến, song cũng vừa là quá trình tìm đến. Thậm chí, nhiều khi đích đến không phải là hạnh phúc trong mơ mà nó đã hiện hữu ngay trên hành trình. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng, nỗ lực để tìm kiếm hạnh phúc và cũng tận hưởng những hạnh phúc đang có.
Phải nói rằng, giá trị hạnh phúc không phải là bất biến mà nó thay đổi theo thời gian. Nó biểu hiện ngay ở chính cuộc đời tôi. Thời còn học sinh, giá trị thước đo hạnh phúc mà tôi quan niệm là được mọi người ghi nhận “chăm ngoan, học giỏi” và có được ít tiền riêng để tiêu.
Tôi là con út trong gia đình có nhiều anh, chị em. Gia đình có nghề truyền thống là may mặc. Vậy nên, ngay từ bậc tiểu học tôi đã biết may. Năm lớp 7, bố tôi đã gọi tôi đến và nói rằng: “Bây giờ con cũng đã lớn. Bố nghĩ con cũng có nhu cầu tiêu tiền. Bố mẹ có thể cho con, song bố mẹ muốn con tự kiếm tiền từ sức lao động của mình. Nay, buổi sáng thì con đi học. Buổi chiều về thì đi làm. Bố mẹ thuê cho con một khoảng hành lang ở nơi chợ. Chiều về con đến đó nhận việc may vá mà kiếm thêm tiền tiêu”.
Từ việc kiếm được những đồng tiền đầu tiên, tôi đã nhận ra những giá trị hạnh phúc đầu tiên. Dần dần, khi lớn lên, tôi lại thấy giá trị hạnh phúc không đơn thuần là đồng tiền mà đó là sự lao động - được làm việc, được cố gắng mưu cầu nâng cao giá trị đời sống vật chất... Và rồi khi có tuổi, đời sống kinh tế đạt đến một mức nào đó, bản thân lại thấy nhu cầu đời sống văn hóa cần thiết hơn. Thế rồi, tôi dành thời gian cho việc đi du lịch, khám phá đây đó, mở rộng tầm nhìn. Hạnh phúc của tôi đã biến chuyển thành mong muốn được khám phá các vùng đất mới, nâng cao vốn hiểu biết của bản thân.
Trong những chuyến đi của mình, tôi đã gặp khá nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và tôi nảy sinh ra ý tưởng được chia sẻ, giúp đỡ họ. Bản thân đã ít nhiều chia sẻ từ nguồn lực của chính mình, kêu gọi mọi người cùng tham gia giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi đã “kiếm tìm” những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, đăng tải thông tin trên mạng xã hội, kết nối các tổ chức từ thiện như “hành trình nhân ái”... qua đó, đỡ đần ít nhiều giúp họ vượt qua nghịch cảnh. Qua việc làm của mình, hàng tỷ đồng từ các nhà hảo tâm đã được chuyển đến tay người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, tôi đã tự nguyện tham gia đội lái xe cứu thương miễn phí đưa, đón bệnh nhân nghèo trong Nam, ngoài Bắc. Bây giờ, hạnh phúc của tôi lại là được giúp đỡ mọi người...
P.V: Trong rất nhiều giá trị hạnh phúc đã được đề cập thì anh thấy giá trị hạnh phúc nào là giá trị chung, mang tính cốt lõi mà mỗi một người, xã hội cần vươn đến và chú trọng?
Anh Nguyễn Hoàng Hà: Theo tôi, trong các giá trị hạnh phúc thì giá trị hạnh phúc gia đình là cốt lõi. Gia đình là tế bào xã hội, có nhiều gia đình hạnh phúc thì xã hội đó, dân tộc, đất nước đó hạnh phúc. Để đạt được hạnh phúc gia đình thì điều quan trọng nhất là sự êm ấm, hòa hợp. Mỗi thành viên trong gia đình phải tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng chính là lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người trong gia đình mình. Tôn trọng người khác thì cái tôi của bản thân sẽ hạn chế; bản thân có ý thức làm cho mình, làm cho người khác tốt đẹp hơn. Với nhận thức đó thì các va chạm trong gia đình sẽ giảm thiểu.
Để một gia đình thực sự hạnh phúc, đầu tiên người làm chồng, làm vợ phải tôn trọng nhau; cố gắng thường xuyên trao đổi, giao tiếp với nhau và làm tươi mới chính bản thân mình. Vợ chồng tôi luôn thực hành điều này, chính vì vậy, mỗi ngày đều là một ngày vui; với vợ, ngày nào cũng là ngày 8/3, 20/10 cả.
Ngoài mối quan hệ vợ chồng, cần chú ý đến giá trị truyền đời và mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Vợ chồng tôi có 1 cô con gái 8 tuổi. Ngay từ tấm bé, vợ chồng tôi rất chú trọng việc giáo dục cho con, đặc biệt là kỹ năng sống. Mỗi khi đi đâu chơi xa, tôi đều cố gắng đưa con đi cùng để con cùng khám phá, tìm hiểu với mình. Tôi nhớ lúc con tầm 4 tuổi, tôi có đưa cháu leo núi Tù Và (Yên Thành) chơi, leo lên 1.500 bậc. Tôi quan niệm, mệt đâu thì nghỉ đó, đói đâu ăn đó, cháu đi 10 bước rồi tạm nghỉ cũng được. Sau 2 giờ thì cháu hoàn thành thử thách, lên đến đỉnh.
Lên đến nơi, tôi hỏi cháu: “Đường đi lên rất đẹp nhưng nhiều người vứt rác bữa bãi, con thấy như thế có tốt không? Ta phải làm gì nhỉ?”, cháu bảo: “Không tốt, ta nhặt rác cho sạch ạ”. Thế rồi, trên đường xuống cả 2 bố con cùng nhặt rác. Vừa đi vừa làm, cháu vui quên đi mệt.
Cách đây 3 năm, 2 bố con tổ chức đạp xe từ Yên Thành xuống Bãi Lữ chơi, đi theo đường ven biển. Trước ngày đi, tôi trao đổi cùng con và cháu tỏ ra hào hứng đồng ý đi. Thế nhưng, khi vừa xuống Diễn Châu thì cháu tỏ ra chán nản, mệt mỏi, khó chịu. Thay vì thuyết phục con đi tiếp, tôi chỉ hỏi: “Nếu con không muốn đi nữa thì bố bắt xe cho con về với mẹ. Riêng bố sẽ đi tiếp, ý con thế nào? Nếu đi với bố con phải vui, không được càu nhàu”. Sau hồi suy nghĩ, cháu đồng ý đi tiếp. Tôi muốn nói với con rằng: Bản thân không vì ý thích của mình mà làm hỏng việc của người khác... Câu chuyện này vẫn được bố con nhắc mãi.
P.V: Năm 2016, Việt Nam được tổ chức chuyên nghiên cứu kinh tế, xã hội New Economics Foundation của Anh xếp thứ 5 trong tốp 10 quốc gia có Chỉ số hành tinh hạnh phúc và trở thành quốc gia hạnh phúc nhất châu Á. Là người từng đi đến rất nhiều bản, làng, tỉnh, thành phố, quốc gia và cảm nhận thực tế cuộc sống ở đó, anh thấy nhận xét trên như thế nào?
Anh Nguyễn Hoàng Hà: Là một người dân Việt Nam, tôi cho rằng, sự xếp hạng trên là rất xác đáng, trên tất cả các tiêu chí về tuổi thọ, sự thịnh vượng, sinh thái môi trường, sự bình đẳng. Sự hạnh phúc của người dân Việt Nam đang ngày càng một tăng lên. Đơn cử, trong hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Thế nhưng, ở Việt Nam, Đảng, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” được quán triệt, lan tỏa. Những người khó khăn nhất trong lúc dịch bệnh đều được hỗ trợ, giúp đỡ. Phòng, chống Covid-19, Chính phủ đã mua vắc-xin để tiêm miễn phí cho người dân. Những minh chứng hùng hồn đó đã nói lên rất nhiều điều.
Bản thân tôi nhận thấy, xã hội Việt Nam đang ngày càng biến chuyển theo chiều hướng tích cực, hạnh phúc hơn từ thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Không chiến tranh, khủng bố, an ninh, trật tự được giữ vững. Tôi đi du lịch “phượt” khắp nơi, dừng đâu nghỉ đó nhưng chưa bao giờ có vấn đề mất an ninh xảy ra...
Còn về đời sống, đơn cử là ở xã Khánh Thành này, năm 2013, tôi mua một chiếc xe ô tô trị giá 600 triệu đồng. Người dân cả xã trầm trồ, ngưỡng mộ. 3 năm sau, cái xe của tôi không là gì ghê gớm nữa. Rất nhiều người đã mua xe đẹp hơn, giá trị cao hơn. Người dân ở xã trước quan niệm “xe ô tô là khối tài sản lớn”, bây giờ họ thay đổi quan niệm “xe ô tô là phương tiện đi lại”. Sự thay đổi quan niệm này đã cho thấy đời sống xã hội ngày càng được nâng lên.
P.V: Qua trao đổi, nhận thấy anh tự hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Song xung quanh anh, có rất nhiều người chưa tự hài lòng, chưa hạnh phúc... Anh có lời khuyên nào để họ cũng được nắm giữ chìa khóa hạnh phúc như anh?
Anh Nguyễn Hoàng Hà: Cái sự hài lòng là vô chừng. Có người sở hữu ngàn tỷ đồng cũng chưa hài lòng, nhưng cũng có người chỉ cần được 1 triệu đồng cũng là hài lòng... Để được hạnh phúc, thì con người chúng ta cần biết đủ, cần biết dừng đúng lúc. Vươn tới cuộc sống hạnh phúc là nguyện vọng chính đáng, biến ước mơ thành hiện thực đòi hỏi mọi người không ngừng vận động, lao động. Chúng ta không để lãng phí sức lực, tài năng song cũng đừng gắng quá. Nếu mình chỉ mang vác được 30 kg thì cũng chỉ nên mang chừng đó hoặc nhỉnh hơn một tý; nếu mang lên đến 40-50 kg thì chắc chắn sẽ có chuyện, hỏng việc. Mọi người cần tự ý thức rõ về chính mình.
Trong quá trình vận động tìm về hạnh phúc, con người chúng ta cần chú ý đừng để lãng phí 2 điều, đó là dành thời gian quá nhiều cho ăn nhậu và ngủ thừa quá nhiều. Chúng ta phải sống tích cực lên. Tiếp đó, cần tâm niệm “không bây giờ thì bao giờ”, khi có việc cần làm thì phải làm ngay, không chờ đợi hay dời ra thời gian khác...
Hạnh phúc là thỏa mãn ý muốn, nhưng chúng ta không nên vì được thỏa mãn lại đi làm phiền người khác. Hạnh phúc của mình không thể đem lại rắc rối, xây dựng trên sự đau khổ, mất mát của người khác. Hạnh phúc không thể là sự ích kỷ mà cần phải đem lại niềm vui, giá trị tốt đẹp cho cộng đồng thì nó mới trọn vẹn.
Xây dựng hạnh phúc gia đình, chúng ta cần rút kinh nghiệm sau mỗi lần va chạm. Muốn mọi người trong gia đình đối xử tốt thì chính ta phải đối xử tốt với mọi người. Giáo dục cho con cháu cũng thế, muốn con cháu lễ phép chào mình thì mình phải chào trước...
P.V: Xin cảm ơn anh!
Anh Nguyễn Hoàng Hà (SN 1976), tại xã Khánh Thành (Yên Thành), trong gia đình 5 anh, chị, em. Anh được nhiều người biết đến trong vai trò là một nhà hoạt động thiện nguyện không biết mệt mỏi, tổ chức trao quà, hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân với số tiền gần hàng tỷ đồng. Đây là số tiền bản thân anh Hà đã kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm trong tỉnh, trong nước thời gian qua. Các chương trình thiện nguyện của anh luôn hướng tới những người nghèo, người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Yên Thành và các địa phương vùng sâu, vùng xa ở các huyện miền núi của tỉnh. Ngoài ra, anh Hà còn tự nguyện tham gia đội lái xe cứu thương miễn phí đưa, đón bệnh nhân nghèo trong Nam, ngoài Bắc.