Lễ hội đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 4, 5 đến 6/3 (tức ngày 19, 20, 21 tháng Giêng). Đây là lễ hội không chỉ được người dân trong vùng mà cả du khách thập phương trông chờ bởi đối với nhiều người dân, đền Quả Sơn là nơi thể hiện sự hội tụ linh thiêng giữa trời, đất, thánh và phật: "nhất Cờn, nhì Quả"...
Đền Quả Sơn là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị thần. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được các nhà sử học đề cao, được xếp là một trong 9 vị danh nhân của đất nước Đại Việt. Tác phẩm "Việt Điện u linh" của Lý Thế Xuyên nói về Lý Nhật Quang với một ngôn từ rất trang trọng "một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết" và đặc biệt về xếp thứ tự, theo quan niệm của Lý Thế Xuyên, những vị thần nào công đức lớn hơn được xếp trên sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian, thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được viết đầu tiên trên cả Lý Thường Kiệt (Lý Thường Kiệt là bậc cháu của Lý Nhật Quang).
Với những công lao to lớn, toàn diện, những ân tình sâu nặng của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ. Riêng vùng Bạch Ngọc (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) của Phủ Lý Bạch Đường - nơi đã từng là lỵ sở trấn trị của ông có tới 8 đền thờ thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Trãi qua những thăng trầm lịch sử, những biến cố của thời gian, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Quả Sơn đã trở thành một tòa đền linh thiêng soi bóng trên bờ sông Lam, được xếp vào hàng danh thắng của tỉnh Nghệ An, là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đền gồm có thượng điện, trung điện, hạ điện nối liền với nhau thành chữ "công" thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang ; có Tả vu thờ Đông Chinh Vương Lý Lực và Hữu vu thờ Dực Thánh Vương (là 2 danh tướng cùng cha, khác mẹ của Lý Nhật Quang cùng phò tá cho ông ở Nghệ An).
Ngoài ra có phần mộ đức thánh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, có nhà bia, có nhà ngựa và ông ngựa, có cổng Tam quan và hàng nghìn cổ vật, bằng bạc, đồng và gỗ, đặc biệt có di tượng cổ độc bản về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, các long ngai, tế khí thời Lý.... Lễ hội đền Quả Sơn có từ thời Lý, được đánh giá là một lễ hội cổ kính nhất, uy nghi, hoành tráng nhất; diễn ra trong một không gian rộng lớn và đẹp nhất.
Hàng năm, vào trung tuần tháng Giêng âm lịch, nhân dân các xã Bồi Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn và vùng phụ cận tổ chức Lễ hội đền Quả Sơn. Đến với Lễ hội đền Quả Sơn, mỗi người sẽ cảm nhận được những nét đặc trưng rất riêng không lễ hội nào có diễn ra cả trên bộ và dưới thủy với phần lễ và hội kết hợp với nhau. Không gian của lễ hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, gồm giao lưu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, vật, đánh cờ, đua thuyền....
Đồng chí Trương Hồng Phúc - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Quả Sơn năm 2010, cho biết: " Lễ hội được tổ chức vừa nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, vừa đáp ứng những đòi hỏi cảm xúc, thẩm mỹ của nhân dân trong huyện và du khách thập phương.
Thông qua các hoạt động của lễ hội, góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp "uống nước, nhớ nguồn", tôn vinh công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, tôn vinh đức Phật; cổ vũ tinh thần thượng võ để giữ nước, dựng nước; củng cố đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân gian truyền thống, tạo ra không khí vui tươi lành mạnh trong những ngày đầu Xuân, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện nhà Đô Lương".
Ngoài ra, từ kết quả hoạt động nhiều năm nay, việc tổ chức Lễ hội đền Quả Sơn năm 2010 là cơ hội để Đô Lương giao lưu văn hoá giữa các địa phương, góp phần làm phong phú lễ hội truyền thống trên đất Nghệ An, góp phần quảng bá vùng đất văn hiến Đô Lương. Tổ chức Lễ hội đền Quả Sơn năm 2010 là hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 980 năm danh xưng Nghệ An và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.