(Baonghean) - Vấn đề mang tính toàn cầu được các quốc gia, lãnh thổ trên toàn thế giới quan tâm, đó là sự biến đổi khí hậu. Chủ đề của “Ngày Môi trường thế giới năm 2014” xác định: “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”. Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về một số vấn đề liên quan.

Phóng viên: Thưa ông! Nước biển dâng lên và những hệ lụy đang là vấn đề lo ngại của nhiều quốc gia. Vậy, xin ông cho biết những nguy cơ, thách thức và tác động từ biến đổi khí hậu đối với toàn cầu nói chung và đối với Việt Nam, đặc biệt là Nghệ An chúng ta nói riêng như thế nào?
 
images987220_tuy_n_d__ch_n_s_ng_ch_y_qua_x__qu_nh_long__qu_nh_luu____nh_th_nh_duy.jpgTuyến đê chắn sóng chạy qua xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu. Ảnh: Thành Duy
 
Ông Võ Văn Ngọc: Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thì “Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ hoạt động của con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu, được quan sát trên một chu kỳ thời gian dài”. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu là do sự gia tăng các hoạt động của con người làm phát thải quá mức khí nhà kính vào khí quyển, khai thác quá mức các bể hấp thu và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.
 
Những biến đổi đó đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Trong những năm qua nhiều nơi trên thế giới đã phải chịu nhiều thiên tai nguy hiểm như bão lớn, nắng nóng kéo dài, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần và khí hậu khắc nghiệt gây thiệt hại lớn về tính mạng con người, vật chất. 
 
Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012, cuối thế kỷ 21 nhiệt độ có thể tăng từ 2,5 - 3,700C, nước biển dâng khoảng 1m, theo đó, khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích đất của TP. Hồ Chí Minh bị ngập trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Chúng ta có thể nhận thấy trong thời gian vừa qua, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. 
 
Nghệ An là một trong những tỉnh được đánh giá là chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu. 
 
Theo kịch bản phát thải trung bình B2 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Nghệ An chịu ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng là rất lớn, chẳng hạn như: xói lở bờ biển, mất đất sản xuất và đất ở của người dân khu vực ven biển, sạt lở và hư hỏng các công trình thủy lợi và  hạ tầng giao thông ven biển… Trước mắt có thể nhận thấy đó là sự gia tăng xâm nhập mặn vào các dòng sông vào mùa khô và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc sử dụng đất các vùng ven biển là rõ rệt. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ngưỡng mặn 4‰ tại sông Lam có thể lên đến trên 30 km vào năm 2020 và các sông Mơ, sông Thái, sông Bùng có thể lên đến 6-7 km. Một số xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long thuộc huyện Quỳnh  Lưu; Diễn Thành, Diễn Trung, Diễn Hùng, Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Hải thuộc huyện Diễn Châu; Phúc Thọ, Nghi Tiến, Nghi Thiết thuộc huyện Nghi Lộc có nguy cơ nhiễm mặn trên 4‰ là rất cao. Chính vì vậy chúng ta “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” ngay từ bây giờ. 
 
Phóng viên: Trong hàng loạt vấn đề đang đặt ra thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có những hoạt động gì để chủ động chống và thích ứng với sự biến đổi khí hậu?
 
Ông Võ Văn Ngọc:Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:
 
Trước hết là tham mưu xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An đến 2015 và tính đến 2020, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các kế hoạch, trong đó tập trung chủ yếu vào các công việc như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý đáp ứng mục tiêu đặt  ra tại Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 24/NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; lồng ghép mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu trong việc lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
 
Ngoài ra, được biết tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng các công trình nhằm ứng phó với BĐKH chống bão lũ và nước biển dâng; Nâng cấp hệ thống đê biển Nghệ An. Theo chương trình quốc gia, Nghệ An được đầu tư nâng cấp được khoảng 42 km đê biển, đang triển khai nâng cấp đê Tả Lam sông Cả, đoạn Nam Đàn, Hưng Nguyên, Vinh. Chúng ta cũng đang tiến hành các thủ tục đề nghị xây dựng cống ngăn mặn qua sông Lam tại Bến Thủy và nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Hoàng Mai…
 
Phóng viên: Để tiếp tục triển khai kế hoạch hành động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tỉnh Nghệ An cần có những giải pháp nào cho thời gian tiếp theo, thưa ông? 
 
Ông Võ Văn Ngọc: Trên cơ sở Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1395/QĐ-UBND.ĐC ngày 27/4/2011, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình hành động của ngành, địa phương có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2014 -2020. 
 
Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh rà soát, những giải pháp, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để xác định hướng ưu tiên thực hiện. Trong đó chú trọng tới các nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường nhận thức cộng đồng về BĐKH;  tổ chức quản lý nước, đặc biệt khu vực ven biển; nâng cấp và tu bổ hệ thống đê điều, kè biển, xây mới một số cống ngăn mặn, giữ ngọt; điều chỉnh cơ cấu cây trồng và thời vụ sản xuất nông nghiệp; bảo vệ và phát triển rừng các loại; Tiến hành các giải pháp kiểm soát ô nhiễm, cải thiện môi trường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngăn ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và việc triển khai các chương trình, dự án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từ đó, huy động các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay hành động. Song song với đó, tỉnh cũng tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức, các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 
 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 
P.V