(Baonghean) - Cùng với xây dựng nông thôn mới, người dân Thanh Liên (Thanh Chương) đang trăn trở với việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa vật thể của làng với mong ước làng sẽ thịnh vượng như xưa.

Quần tụ bao đời nay, một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ với ngọn Tháp Bút uy nghi, một bên là dòng sông Lam dạt dào sóng nước, người dân Thanh Liên (Thanh Chương) từ bao đời nay gắn bó với ruộng đồng, khó khăn, vất vả thế nên nhà nhà đều ước mong con cháu học hành thành tài để có thể vươn cao, làm rạng danh quê hương.

Trong câu chuyện kể của ông Phan Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã thì Thanh Liên là 1 trong 10 xã thuộc Tổng Cát Ngạn xưa. Ngày đó, tinh thần hiếu học của Tổng Cát Ngạn rất cao. Tổng có Văn Hội sinh hoạt đều đặn, hàng năm có tổ chức tế thơ Khổng Tử và các bậc tiên hiền, tiên nho của Tổng. Các buổi tế lễ đều rất long trọng, có bình thơ, chào mừng các vị tân khoa. Hội có quỹ do hoa lợi đất đai hiến tặng của các vị chức sắc và đậu đạt. Đặc biệt, Hội có 3 tấm bia đá khắc tên các vị đại khoa (trong đó có một vị đại khoa của Thanh Liên là ông Thượng Thư hình bộ Đinh Bô Cương), trung khoa, tú tài và sinh đồ của Tổng Cát Ngạn. Nhà bia đặt tại nơi trang trọng trong khuôn viên nhà Văn Thánh Tổng (nhân dân trong vùng đều gọi tắt là Nhà Thánh Tổng). Ban đầu nhà Văn Thánh Tổng được đặt tại làng Cát Ngạn, về sau được di chuyển vào làng Đức Nhuận và hiện nay đã được đặt trang trọng ngay trước cổng UBND xã Thanh Liên, được quy hoạch thành cụm di tích đặc biệt của xã Thanh Liên nói riêng, Tổng Cát Ngạn nói chung.
 
images986959_l_ng_qu__thanh_li_n.jpgLàng quê Thanh Liên.
 
Việc xã Thanh Liên vinh dự được chọn là địa điểm đặt Nhà bia Văn Thánh Tổng sau khi di chuyển rất nhiều lần cũng có nhiều lý do, nhưng dù là lý do gì đi nữa thì nhân dân Thanh Liên rất tự hào vì hiện nay bia Văn Thánh Tổng đã được xây dựng lại trang nghiêm, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nơi lưu giữ truyền thống hiếu học của quê hương Thanh Liên nói riêng, của Tổng Cát Ngạn nói chung.
 
Theo chân ông Nguyễn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đến thăm bia Văn Thánh Tổng. Ngay tại cổng UBND xã, trên diện tích hơn 1.000m2, bia Văn Thánh Tổng vẫn nguyên vẹn 3 tấm văn đá xanh, mỗi tấm có diện tích khoảng 4m, được chạm khắc rất tinh vi, trang nghiêm như văn bia ở Quốc Tử Giám - Hà Nội. Mỗi tấm bia cao 1,66m, rộng 0,66m được một con rùa đội trên lưng. Trong 3 tấm bia đó có 2 tấm đặt hai bên được khắc 4 mặt ghi danh sách các vị sinh đồ thời Lê, Tú tài thời Nguyễn. Riêng tấm giữa khắc 2 mặt: mặt trước khắc danh sách  4 vị đại khoa, 19 vị đậu trung khoa. Mặt sau khắc ruộng vườn, đất ở thuộc xã Đức Nhuận, Tiên Hội, La Mạc, Cao Điền, Thanh Liêu dùng vào việc tế tự, toàn bộ có 12 mẫu 2 sào. Hiện xã đang huy động nguồn xã hội hóa để hoàn thành bờ bao, trồng cây xanh …
 
Thể theo nguyện vọng của nhân dân muốn di chuyển bia Văn Thánh Tổng từ quả đồi xóm Tân Liên về tại khuôn viên UBND xã, xây thành cụm di tích đặc biệt để hàng ngày con em trong xã, khách phương xa có điều kiện chăm sóc, thăm viếng và cũng sẽ là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ. Được sự nhất trí của các cấp, ngành liên quan, tháng 3/2014, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập xã Thanh Liên, bia Văn Thánh Tổng cũng đã được khôi phục lại khang trang, là công trình có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm ngày thành lập xã. Chị Trần Thị Giang (sinh năm 1973) ở xóm Liên Đình phấn khởi: Bia Văn Thánh Tổng là di tích ghi lại truyền thống hiếu học khoa bảng của quê hương Thanh Tiên, của cả Tổng Cát Ngạn. Việc khôi phục, gìn giữ bia rất hợp với lòng dân. Riêng gia đình tôi luôn lấy truyền thống hiếu học của quê hương răn dạy con cái: không được như các cụ ngày xưa làm rạng danh quê hương, cũng phải học để thoát nghèo, để mở mang trí tuệ, để cho bằng chị, bằng em. Chính vì thế mà 2 người con của chị Giang, đặc biệt con trai đầu của chị, cháu Hoàng Đình Quang - hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học FPT, cháu Quang từng là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, là học sinh giỏi quốc gia 2 năm (lớp 11 và 12). Còn con gái Hoàng Quỳnh Mai hiện đang là học sinh Trường Tiểu học Thanh Liên, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Mặc dù chồng là bộ đội Hải quân vùng 3 - Đà Nẵng, quanh năm suốt tháng xa nhà nhưng nhờ sự đảm đang, tháo vát của chị Giang nên các cháu ngoan, học giỏi, năm nào cũng được Hội Khuyến học xã tặng thưởng vì đạt thành tích cao trong học tập.
 
Chị Trần Thị Giang (xóm Liên Đình) trao đổi với cán bộ xã về thành tích học tập của hai con.
 
Ngoài bia Văn Thánh Tổng, người dân Thanh Liên cũng đang trăn trở với việc phục dựng lại đền thờ Thành hoàng làng - Thượng thư hình bộ Đinh Bô Cương tại xóm Tiên Yên - là 1 trong 4 vị đại khoa được trang trọng khắc ghi trên bia Văn Thánh Tổng. Theo sử sách cũ của làng thì ông là người có công lớn trong việc chiêu dân lập ấp, khai khẩn nên các xã vùng Hữu Ngạn tổng Cát Ngạn, nay là xã Thanh Liên, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm. Vì thế, sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông tại hòn Rú, đền thuộc xóm Liên Yên. Đền thờ ông có 3 tòa: thượng cung có diện tích 54m2, trung cung có diện tích 66m2 và hạ đường có diện tích 72m2 được làm bằng gỗ lim, mít, dổi... Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, việc khôi phục, gìn giữ những di tích lịch sử của làng xưa được nhân dân hết sức đồng tình. Dù đường làng, ngõ xóm có mở rộng, bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán cho nhân dân thế nhưng nét làng xưa như cây đa, bến nước, sân đình, đền thờ, miếu mạo... vẫn phải gìn giữ. Bởi những di sản văn hóa vật thể ấy phải được gắn với không gian văn hóa làng, phải trả về với làng quê, với những con người một đời gắn bó cùng đồng ruộng.
 
Tháng 9/2012, nhân dân làng Tiên Yên và các vùng lân cận đã tự nguyện xin chính quyền địa phương cho đặt miếu thờ ông Đinh Bô Cương tại nền đất cũ, để ngày Rằm, mồng Một, ngày Tết nhân dân Thanh Liên và vùng Cát Ngạn có nơi hương khói, thờ phụng người có công với dân. Hiện xã Thanh Liên đã gửi tờ trình lên các cấp có thẩm quyền xét cho phục dựng lại đền thờ Đinh Bô Cương để xứng đáng với công lao của ông, đáp ứng niềm mong mỏi chính đáng của nhân dân: đền sẽ là điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh của cả làng. Sẽ là nơi con cháu đi xa về đến dâng hương tưởng niệm ông - 1 trong 4 vị đại khoa của tổng Cát Ngạn. Ông Nguyễn Văn Thắng (57 tuổi) nhà ngay cạnh đền thờ Đinh Bô Cương cho biết: Nếu được sự đồng ý của trên, nhân dân chúng tôi sẵn sàng góp công, góp của khôi phục lại đền xưa. Gia đình tôi tự nguyện ủng hộ đất nếu cần mở rộng khuôn viên đền.
 
Thanh Liên hôm nay đã đổi thay rất nhiều, đường làng mở rộng thuận lợi cho giao thương buôn bán, ruộng đất không con manh mún, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 18 triệu đồng/năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 81%. Các làng đều phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, phục vụ nhu cầu giao lưu văn nghệ của nhân dân. Điều ấn tượng nhất ở Thanh Liên đó là sự học luôn được đặt lên hàng đầu. Phát huy truyền thống của vùng đất hiếu học, hàng năm tỷ lệ các cháu đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, năm học 2012 – 2013 có 44 cháu là học sinh nghèo vượt khó học giỏi, cả làng có 16 tiến sỹ, 6 phó giáo sư… Quỹ khuyến học của dòng họ, của xã, của các chi hội được phát huy. Đáng mừng hơn con em Thanh Liên thành đạt, ở xa nhưng luôn góp công, góp sức xây dựng quê hương.
 
Thanh Thủy