Tủ sách vắng người đọc

Trong góc phòng của bộ phận một cửa xã Yên Sơn (Đô Lương) đặt 1 chiếc tủ bằng gỗ có các ô cửa kính, bên trong đặt khá ngay ngắn các loại sách chủ đề về pháp luật.

Các nhân viên bộ phận một cửa xã Yên Sơn cho biết, đó là tủ sách pháp luật của xã. Lượng sách vẫn được bổ sung hàng năm, nhưng “không có người dân nào đến đọc hoặc mượn sách, ngay cả cán bộ, nhân viên cơ quan UBND xã”.

bna_image_7659899_29102019.jpgTủ sách pháp luật đặt tại Trung tâm giao dịch một cửa UBND xã Yên Sơn (Đô Lương) chủ yếu để đựng tài liệu, sách báo. Ảnh: Hoài Thu

Đưa thực tế này hỏi công chức Tư pháp xã Yên Sơn, ông Bùi Hữu Thắng cho biết, thực tế đó diễn ra mấy năm nay và đây là bất cập chưa có hướng khắc phục.

Ông Thắng cho biết thêm, hiện nay hầu như người dân hay cán bộ, công chức nào cũng đã có điện thoại thông minh, đến trụ sở làm việc thì có máy tính kết nối internet nên khi cần tìm hiểu thông tin hay tra cứu nội dung liên quan đến pháp luật họ đều dùng mạng internet để cập nhật. Không ai tìm sách để đọc, tìm hiểu các điều luật, bộ luật, các quy định pháp luật qua tủ sách nữa.

Không chỉ ở xã Yên Sơn, theo ông Nguyễn Xuân Mai - Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Đô Lương, việc mô hình tủ sách pháp luật từ lâu đã không phát huy hiệu quả là thực tế ở hầu hết các xã, thị trên địa bàn.

Cũng khẳng định thực tế tương tự, ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, các xã hàng năm vẫn bổ sung các đầu sách cho tủ sách pháp luật, nhưng tình trạng “tủ sách bị bỏ quên”, không có người đến mượn, tìm đọc sách là thực tế có thật, kể cả ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn việc người dân đến tìm hiểu các quy định pháp luật ở tủ sách hầu như không có.

Theo quy định thì ở cấp xã, tủ sách pháp luật là 1 trong các tiêu chí bắt buộc để thực hiện đánh giá chấm điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tại Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã chuẩn tiếp cận pháp luật thì việc đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, trở thành 1 trong 19 tiêu chí (tiêu chí 18.5) trong bộ tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để được công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần hoàn thành 5 tiêu chí ứng với 25 chỉ tiêu cụ thể, được đánh giá bằng thang điểm cho từng tiêu chí với tổng 100 điểm. Một trong các chỉ tiêu bắt buộc là xây dựng tủ sách pháp luật.

Trao đổi vấn đề này, ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Tư pháp huyện Hưng Nguyên cũng thừa nhận thực tế tủ sách pháp luật đang bị “bỏ qua” là có thật. Ngay cả tủ sách pháp luật của phòng Tư pháp huyện cũng ở tình trạng tương tự.

Theo  lý giải của ông Trường thì do hiện nay mọi thông tin cần tìm hiểu, cập nhật đều đã được thực hiện thông qua internet, vừa nhanh, vừa chính xác. “Nhiều đầu sách pháp luật vừa mới mua bổ sung nhưng chưa được bao lâu thì luật đó đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nên sách không thể cập nhật kịp thực tế” - ông Phan Xuân Trường cho biết thêm.

Giải pháp nào?

Xác định hiện nay, thay vì ngồi lật từng trang sách ở tủ sách pháp luật, với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, bất cứ ai cũng có thể tra cứu các thông tin cần thiết trên mạng.

Tận dụng lợi thế này, phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp đã khai thác triệt để kết nối mạng phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn xã.

Cán bộ phòng Tư pháp UBND huyện Hưng Nguyên trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: Hoài Thu

Ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp cho hay, phòng đã lập ra các nhóm kết nối cán bộ tư pháp xã, thị trên địa bàn huyện qua facebook, zalo để trao đổi nội dung công việc, cập nhật các văn bản pháp luật mới.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn tài liệu về các văn bản pháp luật được đảm bảo, phòng Tư pháp Quỳ Hợp đã tham mưu UBND huyện cân đối các khoản chi tiêu để mua quyền truy cập ứng dụng Thư viện pháp luật mỗi năm trên dưới 10 triệu đồng.

Theo đó, các xã, thị trấn được cấp các mật khẩu tài khoản đăng nhập Thư viện pháp luật để tra cứu thông tin. Còn các văn bản chỉ thị, triển khai nội dung công tác được chuyển qua hệ thống I-office của UBND tỉnh triển khai.

Hoặc ở UBND huyện Hưng Nguyên, phòng Tư pháp huyện đã chủ động khai thác các tài liệu pháp luật, cập nhật các văn bản luật từ các nguồn trên mạng internet như năm 2018 trở về trước thì lấy từ nguồn “Cơ sở dữ liệu quốc gia”, hiện nay đang lấy từ nguồn Công báo Chính phủ. Và các tài liệu, văn bản chỉ đạo đều gửi xuống xã, thị qua hệ thống phần mềm chuyển văn bản.
Phòng Tư pháp UBND huyện Quỳ Hợp vận dụng mạng xã hội facebook để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, theo ông Phan Quang Hiền - chuyên viên phòng Tư pháp huyện Hưng Nguyên, qua thực tế công tác chuyên môn cho thấy, “nguồn thông tin về các văn bản luật trên mạng internet không phải nguồn nào cũng đảm bảo, nên người khai thác nếu không cẩn thận sẽ bị rơi vào tình trạng dẫn sai luật, thiếu nội dung, không cập nhật được văn bản mới nhất. Bởi vậy, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, cung cấp các nguồn tài liệu, văn bản liên quan đến lĩnh vực pháp luật là hết sức cần thiết.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết, trong các chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật thì chỉ tiêu về xây dựng, quản lý, sử dụng tủ sách pháp luật là chỉ tiêu quan trọng, góp phần tuyên truyền kiến thức pháp luật tới mọi người dân, đặc biệt là cán bộ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nhiều điều kiện tiếp xúc với các thông tin trên mạng internet. Theo quy định hiện tại, mỗi năm địa phương, đơn vị  phải bố trí kinh phí 2 triệu đồng/xã để bổ sung các đầu sách cho tủ sách pháp luật.

Tuy nhiên, mấy năm lại nay, theo phản ánh của các địa phương thì hình thức xây dựng tủ sách pháp luật không phát huy hiệu quả.  Vì vậy,  Sở Tư pháp đã khảo sát, tiếp thu các ý kiến phản hồi của cơ sở để đề xuất Bộ Tư pháp, các ban, ngành liên quan kiến nghị sửa đổi, thậm chí xóa bỏ tủ sách pháp luật và thay thế bằng hình thức hiệu quả hơn.

Đó chính là xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia như Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã chuẩn tiếp cận pháp luật đã nêu. “Chúng tôi rất mong chờ cơ sở dữ liệu này được hoàn thiện, thay thế hình thức tủ sách in đã không phát huy hiệu quả như hiện nay ” - ông Lê Bá Thiệu cho biết.

Tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/3/2019 về  xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật nêu:

a, Tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả, xác định nhu cầu khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật cấp xã, Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và hoàn thành trước ngày 31/12/2019 để xem xét, quyết định hướng xử lý theo quy định tại Điểm b, Điểm c và Điểm d khoản này.

b) Nếu tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật cấp xã, Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị thì chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước cho hoạt động của Tủ sách pháp luật đến hết năm 2020. Từ năm 2021, thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo hướng tự quản cộng đồng.

c) Nếu không tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật cấp xã thì chỉ đạo, hướng dẫn sáp nhập Tủ sách pháp luật thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Thư viện hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có đến hết năm 2020. Việc sáp nhập Tủ sách pháp luật hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2020;

d) Nếu không tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị thì chỉ đạo tổ chức lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị theo quy định về quản lý tài sản công và hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2020; chỉ đạo lựa chọn sách, tài liệu phù hợp, có giá trị để số hóa, cập nhật trên dữ liệu thành phần của Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo phạm vi thẩm quyền quản lý.