Chỉ có 1 bát cơm trắng, cùng với vài con cá khô mặn đắng là suất ăn thường ngày của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Nậm Típ, một ngôi trường nằm sâu trong rốn lũ của cơn bão số 3 và số 4.
Theo Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, do bị cô lập hơn 1 tháng nay, nên lương thực tại chỗ đã cạn kiệt, việc tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn, giáo viên và học sinh trong nhà trường có nguy cơ lâm vào hoàn cảnh thiếu đói.
Trường PTDTBT THCS Nậm Típ có trên 200 học sinh và 20 cán bộ giáo viên ở nội trú tại trường. Ảnh: Lữ Phú Thầy giáo Ngân Văn Việt, giáo viên phụ trách công tác bán trú Trường PTDTBT THCS Nậm Típ, chia sẻ: Vốn đã khó khăn, giờ đây các em học sinh ở trường lại còn chịu thiếu thốn bội phần. Trước đây, chế độ ăn hàng ngày gồm có: bữa sáng 1 gói mì tôm và 1 quả trứng, bữa trưa và tối cơm, canh, rau, thịt (cá) song gần 1 tháng nay bữa sáng là cơm, cá khô; bữa trưa và tối mỗi em cũng chỉ có 1 bát cơm cùng với cá khô và rau củ do người dân đóng góp.
Đường vào trường bị đất bùn chắn lối, trường bị cô lập hoàn toàn, để có gạo ăn, các thầy giáo phải thay phiên nhau đi bộ cõng về rất xa. Các em học sinh sức yếu không thể đi lấy lương thực được vì đường rất nguy hiểm…
Một số phụ huynh giúp nhà trường vận chuyển gạo cho học sinh. Ảnh: Lữ Phú Trường PTDTBT THCS Nậm Típ có trên 320 học sinh, là con em các đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái và Khơ mú của 2 xã biên giới Mường Típ và xã Mường Ải, cùng tham gia học tập, trong đó có trên 200 học sinh và 20 cán bộ giáo viên ở nội trú tại trường. Dù cơ sở vật chất, khuôn viên nhà trường còn hư hỏng do mưa lũ, phòng học, sân trường còn lấm lem bùn đất, cơm ăn chưa thật sự đủ no, sách vở, bút viết của năm học mới chưa đầy đủ, nhưng nhà trường vẫn duy trì tốt việc dạy và học.
Em Long Bá Máu, học sinh lớp 8B, Trường PTDTBT THCS Nậm Típ chia sẻ: Nhà em xa trường, đường đi lại rất khó khăn, không thể đi về được, em phải ở lại trường cả thứ 7, chủ nhật. Ở đây, chúng em được thầy cô tổ chức nấu ăn nhưng thời gian gần đây chúng em được biết gạo cũng có nguy cơ thiếu nên phải dè sẻn từng bữa ăn.
Thầy và trò vào suối câu cá để góp thêm vào bữa ăn. Ảnh: Lữ Phú Tuyến đường liên xã từ bản Cánh, xã Tà Cạ vào trung tâm xã Mường Ải có tổng chiều dài 37km, là con đường độc đạo giúp người dân, cán bộ và giáo viên các trường học trên địa bàn các xã Mường Típ, Mường Ải, lưu thông và vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, đồ dùng học tập phục vụ nhu cầu sinh hoạt, và công tác dạy và học. Tuy nhiên hơn 1 tháng nay tuyến đường vẫn còn đó ngổn ngang bùn đất, các khu vực sạt lở đất đá kéo dài hàng cây số án ngữ lối đi khiến việc vận chuyển gạo cũng như các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm khác để cứu tế cho người dân và học sinh càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thầy giáo Hoa Văn Ngành - Hiệu phó Trường PTDTBT THCS Nậm Típ chia sẻ thêm: Không chỉ gặp khó về lương thực, thực phẩm mà thuốc chữa bệnh cũng thiếu thốn. Do thời tiết cộng với môi trường sau mưa lũ, một số em đau bụng, đau mắt không có thuốc chữa trị, nhà trường cũng không biết làm thế nào. Hiện nay sĩ số bán trú chưa đạt 100% được, một số em ở các bản khó khăn thì chưa thể đến trường được…
Dù còn vô vàn khó khăn nhưng các thầy cô và các học sinh ở Trường Nậm Típ vẫn nỗ lực đến trường gieo chữ. Ảnh: Lữ Phú Không chỉ có nguy cơ thiếu đói mà nhà trường còn đối mặt với nhiều khó khăn khi mưa lũ cuốn trôi hệ thống máy phát điện nước mi ni. Như vậy, cả ánh sáng phục vụ sinh hoạt, giảng dạy, học tập và nguồn nước sạch sinh hoạt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi đêm, hàng trăm học sinh phải mò mẫm trong đếm tối vì không có điện sinh hoạt.