Gia đình bà Hờ Y Rùa ở bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn trồng và bảo vệ được gần 2 ha cây bo bo. Bà Y Rùa cho biết: “Những năm trước đây bằng số diện tích cây dược liệu này mang lại cho gia đình bà từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, năm nay bo bo đã chín già trên cây nên gia đình bà tranh thủ thu về phơi khô chờ thương lái đến thu mua, nhưng bo bo ngày càng nhiều mà thương lái thu mua thì không thấy đây, khiến gia đình bà không khỏi lo lắng”.
bna_a17690041_2572019.jpgBà Hờ Y Rùa thu hoạch bo bo của gia đình về chờ thương lái đến mua. Ảnh: Lữ Phú

Thời điểm này, bo bo của đồng bào người Mông ở xã vùng cao Huồi Tụ bắt đầu chín và có hiện tượng rụng quả vẫn chưa được thu hoạch vì không có thương lái vào mua. Theo chính quyền xã Huồi Tụ cho biết, toàn xã có hơn 24 ha cây bo bo, được trồng ở hầu hết các bản trong xã.

Những năm trước đây bo bo mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân trong xã, trung bình mỗi hộ thu từ 20 đến 45 triệu đồng mỗi năm.
Số lượng bo bo già quá thời điểm thu hoạch nên nhiều diện tích đã có hiện tượng rụng quả. Ảnh: Lữ Phú

Ông Hờ Bá Rùa - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Bo bo là nguồn thu nhập chính được bà con trong xã trông chờ nhất trong năm, nhưng mùa thu mua bo bo cho đến thời điểm này đã quá thời gian rồi, nhưng mà cho đến bây giờ thì tất cả các thương lái chưa có ai đến mua và đặt mua,  bà con trong xã vì lo bo bo rụng không thu hoạch được nên tiến hành hái về cất hy vọng sau sẽ có thương lái đến mua”.

Vắng thương lái thu mua không chỉ người trồng bo bo thất thu, nhiều hộ gia đình thường xuyên sơ chế phơi khô loại quả thảo dược này cũng đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Theo bà Lương Thị Tím, hộ gia đình sơ chế bo bo khô ở bản Bà, xã Hữu Kiệm, năm nay gia đình bà đầu tư hơn 15 triệu đồng tiền vốn thu mua bo bo, tiền thuê nhân công bóc vỏ, nhưng gần 1 tháng nay hơn 5 tạ bo bo khô vẫn không ai hỏi mua.
Không có thương lái thu mua nên các hộ gia đình sơ chế bo bo và đợi. Ảnh: Lữ Phú

“Gia đình tôi không làm nương rẫy, đến mùa chi thì làm ấy, mùa bo bo thì sơ chế bo bo bán, đến mùa đót thì làm đót, nhưng mà mùa bo bo năm nay thì không thấy ai hỏi mua, tiền vốn đầu tư ít, đầu tư mua bo bo rồi không có người mua thì không có tiền xoay vòng, nếu như mọi năm đến thời điểm này thì họ đến thu mua rất tấp nập, năm ni răng lại không thấy ai đến” bà Lương Thị Tím, bản Bà, xã Hữu Kiệm chia sẻ.

Theo số liệu của huyện Kỳ Sơn toàn huyện có khoảng 150 đến 180 ha bo bo, được trồng nhiều ở các xã Tây Sơn, Nậm Càn, Na Ngoi, Huồi Tụ, Mường Lống và rải rác ở một số xã khác. Thời gian vào cuối tháng 5, tháng 6 và tháng 7, khi một số cây trồng như lúa, ngô, khoai sọ, gừng và bí xanh mới được trồng, chưa có thu hoạch thì cây bo bo là nguồn thu nhập chính cho đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Kỳ Sơn vào mùa giáp hạt. Một vài mô hình do khuyến nông triển khai, còn lại mọc tự phát trong rừng. 
Bình thường, 1 kg bo bo giá từ 35 - 42 ngàn đồng/kg, thậm chí có năm lên đến 50 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay  bo bo ít thấy người mua. Bo bo chủ yếu được thương lái mua bán cho Trung Quốc. 

Sản phẩm quả bo bo phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, như thời điểm này năm ngoái là 40 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay chỉ là 20 - 22 ngàn đồng, thương lái vào thu mua cũng rất ít, làm cho người dân lo lắng. Các cơ quan chuyên môn cũng đang phối hợp với tìm kiếm các doanh nghiệp và các hợp tác xã để đứng ra bao tiêu thu mua bo bo cho người dân. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá chất lượng và tác dụng của quả bo bo nhằm phối hợp với các công ty dược liệu trong nước thu mua để người dân yên tâm.

 Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn