Theo đề án được Thủ tướng thông qua, hàng năm sẽ có khoảng 20.000 phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc này sẽ tiết kiệm ngân sách khoảng 200 tỷ đồng.
Thủ tướng vừa ký quyết định 1461 về việc phê duyệt Đề án triển khai tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bộ Công an được giao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện thường xuyên theo quý.
Theo đề án, người được tha tù trước thời hạn thuộc các trường hợp sau: người bị kết án phạt tù (chưa đến cơ sở giam giữ chấp hành án) nhưng bị bệnh nặng; hoặc phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; hoặc lao động duy nhất trong gia đình; hoặc bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng do nhu cầu công vụ.
Người đã chấp hành án phạt tù được một thời gian nhất định (một phần ba thời hạn tù hoặc một phần tư thời hạn tù đối với người chưa thành niên và các trường hợp có tình tiết ưu tiên) và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự, Tòa có thể quyết định giảm một phần hoặc giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù ở cơ sở giam giữ, phạm tội lần đầu, đã chấp hành án phạt tù được một phần hai thời hạn tù đối với án phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn...
Về bản chất pháp lý, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn là người đang chấp hành án, chỉ thay đổi hình thức từ chấp hành án trong các cơ sở giam giữ sang chấp hành án tại cộng đồng xã hội. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án quyết định.
Người được tha tù trước thời hạn phải có nghĩa vụ trình diện ngay UBND, công an xã, phường, thị trấn nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú; cam kết về tuân thủ pháp luật và các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện; bị hạn chế quyền tự do cư trú; bị cấm tham gia các tổ chức chính trị; cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn...
Biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện được cho là có tính răn đe xã hội cao, đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, tạo động lực thúc đẩy phạm nhân cải tạo tiến bộ, mặt khác, tạo điều kiện cho người chấp hành án phạt tù cải tạo tiến bộ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng sớm hơn, có điều kiện tham gia học tập, lao động sản xuất nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình.
Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ giảm bớt ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; giảm bớt chi phí cho công tác quản lý, thực hiện chế độ ăn, ở, mặc, khám, chữa bệnh, sinh hoạt, học tập và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân; giảm nhu cầu biên chế cán bộ của các cơ sở giam giữ.
Theo ước tính, chi phí trung bình cho một phạm nhân một năm khoảng 9.950.000 đồng (chỉ gồm chi phí đầu tư cho việc sửa chữa cơ sở giam giữ, giáo dục cải tạo, thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân). Nếu số lượng người được tha tù trước thời hạn có điều kiện khoảng 20.000 người thì sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng/năm và giảm nhu cầu biên chế khoảng 3.000 cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ (tính theo tỷ lệ một cán bộ/6 phạm nhân).
Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án từ năm 2016 đến 2020 ước tính 180 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn.
Từ năm 2008 đến nay, có 82.398 người được đặc xá, trong đó phần lớn đã ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật và tái phạm tội. Từ năm 2008 đến 2015, bình quân hàng năm, số lượng người có án phạt tù tăng khoảng 10-12%. Tháng 9/2015, Chủ tịch nước đã Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 18.298 người, nhưng tính đến tháng 12/2015, các trại giam thuộc Bộ Công an vẫn đang quản lý, giam giữ 129.180 phạm nhân (115.299 nam, 13.881 nữ); các trại tạm giam, nhà tạm giữ quản lý, giam giữ 4.803 phạm nhân; số đối tượng bị kết án tù đang hoàn thiện thủ tục để thi hành án là 16.359. |