Đó là thông tin tại Hội nghị phổ biến đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Điều này cũng minh chứng cho việc cần thiết quy hoạch lại hệ thống báo chí.
 
Trong báo cáo về những nội dung cơ bản của đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, cũng chỉ rõ, trong hơn 10 năm trở lại đây, số lượng báo chí in đã tăng nhanh, từ 486 cơ quan báo, tạp chí với 606 ấn phẩm năm 2001, đến nay (tính đến tháng 12 năm 2014) cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, trong đó có 199 cơ quan báo in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương) và 646 tạp chí (514 tạp chí trung ương và 132 tạp chí địa phương). 
 
Như vậy, tạp chí chiếm 76%, báo chiếm 24%, cụ thể: khối báo chí trực thuộc Trung ương có 4 báo và 21 tạp chí; khối báo chí của các đoàn thể có 35 báo đoàn thể Trung ương, 23 báo đoàn thể địa phương, 233 tạp chí đoàn thể Trung ương và 103 tạp chí đoàn thể địa phương. Hằng năm, số lượng bản báo được phát hành ở nước ta khoảng hơn 650 triệu bản, bình quân có trên 7,22 bản báo/người/năm.
 
images1388839_infonet_toan_canh_hoi_nghi_pho_bien.jpgToàn cảnh hội nghị phổ biến đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Ảnh Hồng Chuyên)
 
Hiện nay trong số 845 cơ quan báo chí in có khoảng gần 300 cơ quan báo chí tự cân đối được thu chi. Trên thực tế, mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí và việc mở rộng hình thức hoạt động tạo nguồn thu phù hợp với các quy định của pháp luật ngoài nguồn bán báo để hỗ trợ cho hoạt động báo chí là một xu hướng đang được một số cơ quan báo chí thực hiện.
 
Đặc biệt, hằng năm, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho các cơ quan báo in khoảng 388 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương khoảng 153 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 235 tỷ đồng). Nội dung chi này chưa bao gồm chi đầu tư phát triển, chi hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu, chỉ phát hành báo cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…Hiện nay trong số 845 cơ quan báo chí in có khoảng gần 300 cơ quan báo chí tự cân đối được thu chi. 
 
Hiện nay, về cơ bản, báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể đều tự hạch toán. Khối tạp chí của các viện nghiên cứu nhà nước đang được bù lỗ. Một số cơ quan báo chí lớn có doanh thu cao, đóng góp nhiều vào ngân sách như: báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh (nộp ngân sách khoảng 200 tỷ), báo Thanh niên (nộp ngân sách khoảng hơn 100 tỷ), các báo ngành Công an. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, số lượng phát hành và quảng cáo giảm nhiều nên ảnh hưởng đến kinh tế báo chí.
 
Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế như, hệ thống báo chí in có thể nói là nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng, tình trạng chồng chéo về nội dung, mục đích, đối tượng và tôn chỉ phục vụ còn nhiều và chưa được khắc phục hiệu quả. Như nhiều người nhận xét, "báo chí ta nhiều nhưng chưa mạnh". Điều này đòi hỏi phải có sự quy hoạch để tránh sự chồng chéo và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
 
Ngoài ra, vấn đề tổ chức, cá nhân liên kết với các cơ quan báo chí tham gia sản xuất các ấn phẩm, kênh, chương trình nhất là trong lĩnh vực giải trí, thương mại,… là xu thế chung của thế giới. Ở nước ta, hoạt động này có xu hướng phát triển nhanh trong một vài năm trở lại đây. Điều đáng chú ý, hoạt động này không chỉ diễn ra ở các cơ quan báo chí của hội nghề nghiệp hoặc các hội xã hội - nghề nghiệp nhỏ, mà còn diễn ra ở một số cơ quan báo chí của một số bộ, ngành. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chủ quản báo chí đối với hoạt động liên kết làm ảnh hưởng đến chất lượng nội dung. 
 
Vì vậy, cần có chủ trương, chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia hoạt động liên kết để vừa hoàn thành tốt chức năng thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, vừa nâng cao khả năng tự cân đối được thu chi, tiến đến năm 2020 về cơ bản các cơ quan báo chí có thể tự chủ toàn bộ về tài chính.
 
Theo Infonet