Chiêu “cột chặt” người xin việc
Có trong tay tấm bằng cử nhân ngành y đã mấy năm nhưng chị Nguyễn Thị H. (SN 1991), trú phường Hưng Dũng, TP Vinh vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Do đó, cuối năm 2018, khi nghe tin Trần Ngọc Tuyên (SN 1959, trú xã Nghi Kim, TP Vinh) có khả năng “chạy việc" vào các bệnh viện, chị tìm gặp, đặt vấn đề xin cho mình vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An. Tuyên đồng ý và đưa ra “chi phí” 300 triệu đồng. Sau đó, vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, chị H. đã 2 lần đưa cho Tuyên đủ số tiền trên.
Để tạo lòng tin, Tuyên đã cho chị H. xem danh sách trích ngang xét tuyển và quyết định tuyển dụng vào làm việc của bệnh viện. Cứ ngỡ mình trúng tuyển, được vào làm việc tại một bệnh viện lớn của tỉnh nên chị H. vui mừng. Nhưng sau thời gian dài chờ đợi, chị vẫn không hề nhận được giấy thông báo trúng tuyển.
Trước đó, vào năm 2013, thông qua mối quan hệ quen biết, ông Nguyễn Xuân D. (trú phường Cửa Nam, TP Vinh), đến gặp Tuyên. Khi gặp, Tuyên khoe với ông D. là quen biết nhiều lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nên có thể xin việc cho những ai cần. Tưởng thật, ông D. đã nhờ Tuyên xin việc cho con gái mình.
Ông D. sau đó còn đứng ra nhận hồ sơ và tiền của hàng chục người khác đưa cho Tuyên nhờ xin vào các bệnh viện. Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến tháng 4/2020, ông D. đã đưa cho Tuyên nhiều bộ hồ sơ cùng gần 4 tỷ đồng. Toàn bộ tiền và hồ sơ nhận được, Tuyên đưa đến cho Lê Thị Tuyết (SN 1979, trú xã Nghi Kim, TP Vinh) - đây là kẻ chủ mưu của vụ lừa đảo bằng chiêu thức chạy việc vào bệnh viện.
Để hành vi lừa đảo không bị người xin việc nghi ngờ, Tuyên và Tuyết không yêu cầu bị hại đặt cọc tiền ngay từ đầu mà chỉ nhận hồ sơ trước. Để “cột chặt”, buộc các bị hại phải theo đến cùng không thể xin việc được ở nơi khác, Tuyên yêu cầu họ phải nộp bằng tốt nghiệp đại học gốc. Một thời gian sau, Tuyên và Tuyết đưa cho các bị hại xem danh sách trích ngang những người dự tuyển vào bệnh viện trong đó có tên bị hại mà chúng làm giả để yêu cầu họ nộp tiền cọc.
Tiếp đó, để tạo lòng tin cho các bị hại, Tuyết đã làm giả các quyết định trúng tuyển và thống nhất với Tuyên hẹn gặp các bị hại, cho xem các quyết định này và không cho các bị hại sao chụp lại. Sau đó, các đối tượng thúc giục bị hại nộp hết số tiền đã thỏa thuận để nhận quyết định. Khi các bị hại liên hệ đến bệnh viện xem kết quả nhưng không thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển thì Tuyết đưa ra lý do đây là “suất nội bộ” không công bố trên các website của bệnh viện.
Cơ quan điều tra xác định, với thủ đoạn lừa đảo như trên trong khoảng thời gian từ cuối 2013 đến đầu năm 2020 Lê Thị Tuyết và Trần Ngọc Tuyên cùng nhau thực hiện 3 hành vi lừa đảo đối với 3 bị hại để xin việc làm cho 30 người lao động với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tuyết còn 1 mình thực hiện 2 hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 775 triệu đồng. Trần Ngọc Tuyên 1 mình thực hiện 3 hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền mà 2 bị cáo đã lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân là gần 6 tỷ đồng.
Chân dung siêu lừa đang “nợ” án
Mới đây, hai bị cáo Lê Thị Tuyết và Trần Ngọc Tuyên đã bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đáng nói, Tuyết là bị cáo đang nợ bản án 6 năm tù về 2 tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bản án trên được tuyên vào 2016, nhưng lúc này Tuyết đang nuôi con nhỏ nên được hoãn thời gian thi hành án.
Trong thời gian này, Tuyết vẫn tiếp tục lừa đảo. Lần này, Tuyết không trực tiếp ra mặt mà việc nhận hồ sơ, tiền của các lao động được người đàn bà này giao cho Tuyên. Còn việc “quan hệ” với lãnh đạo Sở Y tế và các bệnh viện thì Tuyết nói với Tuyên cho mình thực hiện.
Đến tham dự tòa, nhiều bị hại cho hay hoàn toàn không biết Tuyết từng có tiền án về tội lừa đảo. Hơn nữa, việc chồng của bị cáo Tuyết công tác tại một bệnh viện tuyến tỉnh khiến nhiều người càng tin vào những lời khoe khoang của Tuyết. Do đó, họ không đề phòng và răm rắp nghe theo chỉ dẫn của Tuyết và Tuyên.
Một số bị hại sau thời gian giao tiền và hồ sơ cho các bị cáo thì phát hiện bị lừa. Những người này nhiều lần tìm đến nhà hai bị cáo đòi hoàn trả lại số tiền đã lừa đảo nhưng cả hai đều từ chối. Việc dính vào đường dây lừa đảo của 2 bị cáo khiến nhiều nạn nhân khốn đốn, trong đó có ông D.
Phát biểu tại tòa, ông D. cho biết cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì hành vi lừa đảo của hai bị cáo. Nhất là khi tôi đứng ra nhận tiền, hồ sơ cho những người khác. Trước sự có mặt của mọi người, ông D. gửi lời xin lỗi.
Trước bục khai báo, bị cáo Tuyên khai không quen biết lãnh đạo Sở Y tế hay bệnh viện nào cả. “Bị cáo nói như vậy vì nghe theo hướng dẫn của Tuyết”, Tuyên khai. Trong khi đó, bị cáo Tuyết khai không lừa đảo các bị hại, chỉ thực hiện hành vi vay tiền và chưa đến ngày trả. Bởi những lần nhận tiền, bị cáo và bị hại đều thống nhất viết giấy vay tiền.
HĐXX nhận định, hành vi của 2 bị cáo là vi phạm pháp luật. Dù không có quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ bố trí việc làm cho người khác nhưng hai bị cáo đã có hành vi gian dối giới thiệu bản thân quen biết nhiều lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện để lừa đảo nhiều nạn nhân, chiếm đoạt số tiền lớn. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng đến uy tín nhiều người, gây bức xúc trong dư luận nên cần xử lý nghiêm.
Cân nhắc vào vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Lê Thị Tuyết 20 năm tù, Trần Ngọc Tuyên 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”./.