Tổng thống Trump: Việc rút khỏi Hiệp ước INF cũng nhắm vào Trung Quốc

ttxvn_nha_bao4.jpgTổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Donald Trump ngày 22/10 cho rằng quyết định của ông rút Mỹ khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung với Nga cũng xuất phát từ sự cần thiết phải phản ứng đối với việc xây dựng hạt nhân của Trung Quốc. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng khi đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, ông Trump nhấn mạnh: "Cho đến khi mọi người suy nghĩ thông suốt hơn, chúng tôi sẽ xây dựng kho vũ khí đó. Đó là mối đe dọa đối với bất cứ ai. Và nó bao gồm Trung Quốc và Nga. Và nó bao gồm bất kỳ nước nào muốn tham gia trò chơi này".

Trung Quốc không tham gia ký Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ "suy nghĩ kỹ" về quyết định hủy bỏ Hiệp ước vũ khí hạt nhân có từ thời Chiến tranh Lạnh. 

Chính phủ Hàn Quốc thông qua thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh lần 3 ở Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/10, Chính phủ Hàn Quốc đã phê chuẩn thỏa thuận hòa bình ký tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 9 vừa qua tại Bình Nhưỡng. Theo quy trình, sau bước này, văn kiện trên sẽ được trình lên Tổng thống Moon Jae-in ký phê chuẩn. 

Động thái trên diễn ra sau khi Bộ Luật pháp chính phủ Hàn Quốc kết luận rằng Tuyên bố chung Bình Nhưỡng không cần có sự đồng thuận của quốc hội để được phê chuẩn, vì một thỏa thuận bao trùm hơn là Tuyên bố Panmunjom, mà lãnh đạo hai nước ký tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4, đang trong tiến trình phê chuẩn tại cơ quan lập pháp. Theo Bộ Luật pháp chính phủ, Tuyên bố Bình Nhưỡng vốn nhằm thực thi Tuyên bố Panmunjom tháng 4, và việc quốc hội phê chuẩn một thỏa thuận bao trùm hơn đồng nghĩa với các thỏa thuận nhỏ hơn cũng hợp pháp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Miễn trừ ngoại giao không là "lá chắn" cho tội giết người

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước quốc hội ngày 23/10. Ảnh: Reuters.

Ngày 23/10, phát biểu trước quốc hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết có hai nhóm đặc vụ Saudi Arabia tham gia vụ giết hại Khashoggi, trong đó một nhóm gồm 9 người bay từ Saudi Arabia tới Istanbul hôm 2/10. Nhóm đặc vụ Saudi Arabia "lên kế hoạch và thực hiện vụ giết người" được thông báo về chuyến đi tới lãnh sự quán ở Istanbul của Khashoggi một ngày trước đó. Ông Erdogan nhấn mạnh vụ sát hại nhà báo Khashoggi là vấn đề quốc tế và Ankara sẽ theo đuổi vấn đề này đến cùng. Các bằng chứng đều cho thấy Khashoggi là nạn nhân của một "vụ giết người man rợ" và một tội ác không thể bị che giấu. Tổng thống Erdogan ngày 23/10 đã cho rằng quyền miễn trừ ngoại giao không phải là "lá chắn" cho tội giết người, đồng thời nhấn mạnh rằng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao không cho phép làm điều đó.

Cùng ngày 23/10, hãng tin Sputnik dẫn lời lãnh đạo Đảng Ái Quốc (VATAN) của Thổ Nhĩ Kỳ Dogu Perincek cho biết tuyên bố các điều tra viên đã tìm thấy các bộ phận thi thể nhà báo Khashoggi dưới đáy giếng trong vườn nhà Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở thành phố Istanbul.

Iran bắt giữ các nhóm phiến quân âm mưu tấn công người hành hương

Các tín đồ Hồi giáo dòng Shi ite dự lễ hành hương Arbaeen. Nguồn: AFP

Iran ngày 23/10 cho biết nước này đã bắt giữ ba nhóm phiến quân lên kế hoạch tấn công các tín đồ Hồi giáo dòng Shi'ite dự lễ hành hương Arbaeen. Lễ hành hương hàng năm này đánh dấu kết thúc thời gian 40 ngày để tang cháu trai của Nhà tiên tri Mohammad, Imam Hussein.

Truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi thông báo khi thăm khu vực biên giới với Iraq, theo đó ba nhóm khủng bố có ý định tấn công những người tham dự lễ Arbaeen đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, ông Alavi không cho biết cụ thể thời gian và địa điểm tiến hành các vụ bắt giữ này.

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đối mặt với nhiều cáo buộc khác

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) tới tòa án tại Kuala Lumpur ngày 20/9/2018. Ảnh: THX/TTXVN

New Straits Times ngày 23/10 đưa tin, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong tuần này sẽ phải đối mặt thêm nhiều cáo buộc nữa liên quan đến Quỹ đầu tư Nhà nước 1 Malaysia (1MDB). Ông Najib Razak sẽ phải giải đáp ít nhất bốn cáo buộc về các thỏa thuận giữa 1MDB với Tập đoàn đầu tư Dầu khí quốc tế (IPIC). Các nhà điều tra sẽ chất vấn vai trò của ông Najib Razak trong việc giải quyết nợ nần giữa 1MDB và quỹ tài sản của Abu Dhabi diễn ra hồi năm ngoái.

Trước đó, ông Najib Razak đã bị cáo buộc 32 tội danh, chủ yếu liên quan đến các khoản tiền từ quỹ 1MDB. Tuy nhiên, ông Najib Razak đã bác bỏ những cáo buộc này.

Ký thỏa thuận hòa bình, Ethiopia chấm dứt nhiều thập kỷ bạo loạn

Quang cảnh cuộc gặp giữa hai bên. Nguồn: africanews.com

Hơn ba thập kỷ bạo loạn ở Ethiopia đã chính thức khép lại sau khi giới chức nước này và nhóm ly khai Mặt trận Giải phóng quốc gia Ogaden (ONLF) vừa ký thỏa thuận hòa bình.

Trong thông cáo ra ngày 22/10, Bộ Ngoại giao Ethiopia cho biết Ngoại trưởng Ethiopia Workneh Gebeyehu đã tới thủ đô Asmara của Eritrea để tiến hành ký kết thỏa thuận hòa bình với ONLF. Thông cáo cũng nhấn mạnh “các phái đoàn Chính phủ Ethiopia và ONLF đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán có hiệu quả và đạt được một thỏa thuận lịch sử."

Iraq: Hàng chục người thương vong trong vụ tấn công bằng xe bom

Một vụ đánh bom bằng xe ô tô ở Iraq năm 2013. Ảnh: Telegraph

Quân đội Iraq ngày 23/10 cho biết, đã có ít nhất 7 người thiệt mạng, 20 người bị thương trong một vụ tấn công bằng bom xe, xảy ra ở một thị trấn phía nam của Mosul, thủ phủ của tỉnh Nineveh, phía bắc Iraq. Vụ tấn công này xảy ra vào sáng 23/10 (theo giờ địa phương) khi một chiếc xe hơi được cài sẵn chất nổ và đỗ ngay ở một khu vực chợ đông người qua lại ở thị trấn Qayyara, cách Mosul khoảng 50 km về phía nam.

Đến nay, vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra thừa nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công này.

Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới

Cầu vượt biển nối Chu Hải - Hongkong - Makau.

Đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì buổi lễ và tuyên bố thông cầu vượt biển dài 55km nối thành phố Chu Hải (phía Nam tỉnh Quảng Đông) với Hongkong và Makau.. Với tốc độ lưu thông là 100 km/h, theo tính toán cây cầu này sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa 3 thành phố trên từ hơn 3 giờ đồng hồ xuống còn 30 phút. 

Trong tổng số chiều dài 55km có một đoạn dài 6,7 km là chạy ngầm dưới biển nhằm để tàu thuyền qua lại khu vực không bị ảnh hưởng. Cây cầu được xây dựng trong 9 năm, sử dụng hơn 400.000 tấn thép và có thể chịu được động đất mạnh cấp 8 và bão mạnh cấp 16. Dự tính cây cầu sẽ phục vụ hơn 9.000 lượt phương tiện mỗi ngày và sử dụng trong 120 năm. Với chiều dài 55km, cầu vượt biển Chu Hải - Hongkong - Makau đã phá kỷ lục trước đó của cây cầu vượt biển tại Thanh Đảo dài 42km được khánh thành vào tháng 1/2011.