Chính quyền thủ đô Seoul - Hàn Quốc thành lập một đội săn camera ẩn để ngăn chặn những đoạn clip quay lén phụ nữ nơi công cộng bị tung lên mạng.

Những thước phim và hình ảnh bí mật này - được gọi là Molka - thường do một số người gắn máy quay lên giày hoặc quần áo rồi nhắm vào váy phụ nữ tại các phương tiện công cộng hoặc thang máy. Chúng còn có thể xuất hiện trong nhà vệ sinh hoặc phòng thay đồ.

Sau đó, những đoạn clip và hình ảnh này sẽ được chia sẻ cho các nhóm kín trên mạng hoặc đăng lên những trang web khiêu dâm.

Số liệu cảnh sát cho thấy tình trạng quay lén tại thủ đô Seoul đã tăng từ 990 vụ trong năm 2012 lên 3.638 vụ vào năm 2015. "Gần như tất cả các nạn nhân đều là phụ nữ. Họ phải gánh chịu những tổn thất về tinh thần" - bà Nam Myung Hee, thành viên đội săn camera quay lén, trả lời phỏng vấn đài BBC.

images1752336_92381270_hiddencameras_1479802454486.jpgĐội săn camera quay lén của Hàn Quốc. Ảnh: JUHYOSANG

Bà Hee, một phụ nữ 47 tuổi, làm việc cho 1 trong 25 đội săn camera khắp thủ đô Seoul được thành lập hồi đầu năm nay. Từ tháng 8 đến tháng 9, biệt đội này đã rà soát hơn 9.500 địa điểm khắp thành phố nhưng chưa phát hiện được máy quay lén nào.

Ngoài ra, nhóm còn phân phát các tờ rơi về tình trạng quay lén và bà Hee tin rằng chiến dịch của họ đã thành công trong việc nâng cao nhận thức của người dân về Molka.

"Tôi từng hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch ngay cả khi trở thành thành viên của nhóm săn camera quay lén. Nhưng khi nhìn thấy phản ứng của mọi người, tôi nghĩ đó là điều đáng giá" - bà Hee giải thích.

Theo ông Se Woong Koo, làm việc tại tạp chí Expose, việc quay lén phụ nữ ở những vị trí nhạy cảm cùng với căn bệnh ghét phái yếu ở Hàn Quốc cũng là một kiểu phản ứng đối với sự thay đổi vai trò giới tính của nước này. "Đây là xã hội có tỉ lệ tội phạm thấp. Tuy nhiên, với tội phạm tình dục thì lại là một vấn đề khác" - ông Se nhận định.

"Ngày càng có nhiều đàn ông cho rằng phụ nữ được trao những quyền lợi mà họ không xứng đáng có được. Tôi nghĩ tội phạm tình dục ở Hàn Quốc là một cách để bày tỏ sự giận dữ với phụ nữ. Họ muốn trả thù và Molka là một cách dễ dàng" - ông Se nói thêm và cho biết nhiều phụ nữ bị mất việc làm hoặc tan vỡ tình yêu sau khi trở thành nạn nhân của Molka.

Dù tìm kiếm trên diện rộng nhưng nhóm hầu như không thành công trong việc phát hiện các thiết bị quay lén. Ảnh: JUHYOSANG

Nếu phát hiện máy quay lén, một bản báo cáo sẽ được gửi cho cảnh sát để điều tra. Một khi bị buộc tội, thủ phạm có thể đối mặt với 5 năm tù giam hoặc bị phạt tối đa 10 triệu won (khoảng 8.500 USD).

Tuy nhiên, ông Se tin rằng Molka sẽ không thực sự chấm dứt cho đến khi chính phủ đề ra những hình phạt nghiêm khắc hơn. "Trong 70% những vụ án được đưa ra tòa, rất nhiều người thoát tội chỉ bằng nộp phạt hoặc án treo" - ông Se tiết lộ.

Kể từ năm 2004, Hàn Quốc cấm bán điện thoại cho phép người dùng tắt tiếng khi chụp ảnh. Tuy nhiên, theo tờ Korea Times, không có cách nào để giới hạn các ứng dụng chụp ảnh không gây ra tiếng động trên điện thoại thông minh, vốn đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay.

Theo Người lao động

TIN LIÊN QUAN