Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên theo đuổi con đường hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung cho cả bán đảo Triều Tiên.

Ngày 25/6, Hàn Quốc kỷ niệm 63 năm bắt đầu chiến tranh liên Triều (1950 – 1953), mà về mặt lý thuyết vẫn kéo dài đến ngày nay, vì 2 nước chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn chứ chưa có Hiệp định hòa bình. Buổi lễ kỷ niệm 63 năm chiến tranh liên Triều năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vừa mới hạ nhiệt sau hàng loạt tín hiệu tích cực từ tất cả các bên.

797819_small_99610.jpgLễ kỷ niệm 63 năm chiến tranh liên Triều (Ảnh: AP)

Tham dự Lễ kỷ niệm 63 năm chiến tranh liên Triều tại thủ đô Seoul ngày 25/6 có khoảng 5.000 cựu chiến binh, người dân và quan chức chính phủ. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong-won kêu gọi Triều Tiên cùng nỗ lực đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên: “Triều Tiên nên chấm dứt con đường cô lập và xuống dốc. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên theo đuổi con đường hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung cho cả bán đảo Triều Tiên”.

Trước đó một ngày, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đã tham dự buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong chiến tranh liên Triều.

Trang mạng của Thời báo Hàn Quốc (KoreaTimes) ngày 25/6 dẫn lời một nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học quốc gia Seoul (SNU), ông Chang Yong-seok cho rằng, sau 63 năm, cả 2 miền Triều Tiên đã hao tổn nhân lực và vật lực quá nhiều vào một cuộc đua vũ trang nhằm đưa bán đảo này đến bờ vực của một cuộc chiến hạt nhân. Ông Chang nhận định, thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên cũng ngày càng mong manh bởi những động thái gây căng thẳng liên tiếp xảy ra trên bán đảo Triều Tiên suốt thời gian qua.

Theo ông Chang, bán đảo Triều Tiên sẽ không thể yên ổn nếu 2 nước không thay thế thỏa thuận ngừng bắn hiện nay bằng một hiệp định hòa bình nhưng đó là điều rất khó xảy ra khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh sự đối đầu về mặt quân sự, nhiều nhà nghiên cứu xã hội tại Hàn Quốc bày tỏ lo ngại, sự chia cắt quá lâu của bán đảo Triều Tiên khiến khoảng cách văn hóa giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ngày càng lớn, khiến 2 quốc gia vốn chia sẻ lịch sử và ngôn ngữ hiện nay có sự khác biệt ngay cả trong cách giao tiếp hàng ngày. Giáo sư Jeon Young-sun thuộc trường Đại học Konkuk của Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng, nếu xu hướng này tiếp diễn, người dân Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ ngày càng khó tìm cách giao tiếp một cách hiệu quả và thấu hiểu nhau hơn.

Có thể thấy, 63 năm sau khi chiến tranh liên Triều bùng nổ, những nỗ lực hàn gắn 2 miền Triều Tiên bằng hiệp định hòa bình vẫn chỉ là một cơ hội mong manh. Nếu điều đó xảy ra, thì có thể người dân Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ phải mất quãng thời gian lâu hơn gấp nhiều lần để khiến những thế thứ ba, thậm chí là thứ tư ở đây tìm lại sự thống nhất thực sự về mặt kinh tế và xã hội trên bán đảo Triều Tiên./.


Theo VOV - ĐT