Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á xuất hiện một số vết nứt nhỏ ngang dọc, đơn vị quản lý cho biết các vết nứt không ảnh hưởng độ an toàn của công trình.
Đầu tháng 8, nhiều chủ phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân lo ngại khi phát hiện các vết nứt dọc ngang ở hai bên thành, bắt đầu từ cửa hầm. Trước sự việc, đơn vị chức năng đã khoanh vùng theo dõi để tìm phương án khắc phục, sửa chữa.
Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả (đơn vị quản lý hầm Hải Vân), công ty đã mời tư vấn độc lập từ Đức khảo sát, quan trắc, đánh giá kết cấu vỏ hầm bằng phương pháp quét laser, phát hiện khe nứt nhỏ từ 0,2mm, đồng thời kiểm nghiệm chất lượng vật liệu, đo dao động.
"Đơn vị tư vấn đánh giá các vết nứt đều nhỏ hơn 0,2mm, không ảnh hưởng chất lượng khai thác công trình và nằm trong giới hạn an toàn theo tiêu chuẩn Đức. Vết nứt rộng từ 0,2mm trở lên mới được xử lý để đảm bảo mỹ thuật công trình", ông Đông nói.
Theo cơ quan quản lý hầm, trong tháng 8, đơn vị tư vấn sẽ báo cáo đầy đủ kết quả kiểm tra, nguyên nhân và phương án xử lý. Nếu Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, đơn vị sẽ sửa chữa theo phương án được thông qua.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng cho hay, kết quả sơ bộ thì các vết nứt không ảnh hưởng khả năng khai thác hầm Hải Vân. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu đơn vị tư vấn độc lập đánh giá nguyên nhân cụ thể để có hướng xử lý lâu dài. Việc này rất quan trọng bởi sắp tới sẽ mở thêm đường hầm Hải Vân thứ hai.
Từ tháng 6/2005, hầm đường bộ Hải Vân nối Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế được khánh thành sau 5 năm thi công,vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng từ nguồn ODA Nhật Bản. Hầm dài nhất Đông Nam Á này gồm một hầm chính gần 6,3 km, hầm thoát hiểm chạy song song hầm chính, hầm thông gió và 15 hầm ngang dành cho thoát hiểm. Trước năm 2016, hầm Hải Vân do cơ quan nhà nước quản lý. Nay hầm được chuyển giao cho Công ty CP Đèo Cả khai thác - đây cũng là nhà đầu tư xây dựng tuyến hầm Hải Vân thứ hai.
Theo VNE