Con tàu CSB – 8002, lớp tàu DN – 2000 là thế hệ tàu tối tân nhất của Cảnh sát biển Việt Nam đã hoàn thành chuyến hải trình đầu tiên.

Tất cả sĩ quan, chiến sĩ trên tàu đều là "bộ lõi thép"

Đoàn công tác, đứng đầu là Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Quốc phòng; Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Đô đốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cùng đại diện lãnh đạo nhiều cục, ngành, đơn vị trong và ngoài quân đội.

Con tàu 8002 khởi hành tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng), điểm đến đầu tiên của hải trình là đảo Lý Sơn, sau đó là Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc.

8002 là lớp tàu đa năng, sức giãn nước hơn 2.000 tấn, có thể hoạt động liên tục 40 ngày trên biển với tầm kiểm soát 5.000 hải lý. Tàu có thể hoạt động được ở sóng cấp 12, được trang bị nhiều thiết bị tiên tiến để tuần thám và cứu hộ cứu nạn được từ 180 – 200 người.

Đây là tàu đa năng thứ 2 được đóng mới trong nước, dưới sự hợp tác của chuyên gia Hà Lan, và có một số điểm cải tiến đúc rút từ tàu 8001 (là lớp tàu cùng thế hệ, đóng tại Hải Phòng, hạ thủy tháng 10/2013). Hai con tàu nghìn tỷ này đều được trao vào tay hai Thuyền trưởng cùng tên Đức Tuyên, chỉ khác nhau về họ.

Tàu Cảnh sát biển 8002

Thượng úy Phạm Văn Chuyền, lái chính của tàu cho biết, cả kíp tàu 8002 đều đã từng kinh qua cuộc đấu tranh pháp lý trên biển giữa năm ngoái để đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 khỏi lãnh hải Việt Nam.Khi xuất bến Lý Sơn, cập cảng Thổ Chu… thời tiết đột ngột biến đổi xấu, tất cả đã chứng kiến được sự dứt khoát nhà nghề, rắn rỏi mạnh mẽ của những người chiến sĩ trên biển.

Tất cả các sĩ quan, chiến sĩ trên tàu, đều là những “bộ lõi thép” đã được tôi luyện, hàng tháng trời ăn lương khô với nước lã, tinh thần chiến đấu thường trực cao độ để đối phó với đối phương.

Đại tá Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, kết luận: "Khi ra biển, chứng kiến tinh thần của anh em chiến sĩ mới thực sự xúc động sâu sắc tinh thần dũng cảm và kiên quyết, khôn khéo của chiến sĩ ta.

Ấy vậy mà bình thời, tôi để ý thấy cứ lúc rảnh rỗi, các sĩ quan Nguyễn Văn Tài, Phùng Hưng lại ra sau tàu thăm no chim chào mào. Hóa ra đi biển dài ngày vậy mà hai anh vẫn mang theo mỗi người một lồng chim, để giờ nghỉ thì chăm chút và nghe chim hót! Đấy, bản lĩnh của con người Việt Nam là thế".

"Biển với chúng tôi nghĩa là sinh mạng"
 
Cuộc hành trình của đoàn dừng lại đảo Lý Sơn, gặp anh Phạm Cường, 40 tuổi, người dân xã An Vĩnh có một mảnh đất trồng hành tỏi ngay trước cửa Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Lý Sơn, mới biết tổ tiên anh Cường nhiều đời từng có người đi lính thuộc hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Anh Cường cho biết, hiện nay, đất trên đảo rất ít, chỉ được cấp hơn 100 m2 đất một khẩu. Gia đình anh có năm lao động mà chỉ có 600 m2 đất, mùa đông trồng tỏi, mùa xuân, hạ trồng hành tía, trang trải cũng đủ ăn.

Thế nhưng, dù cuộc sống khó khăn như vậy, nhưng khi được hỏi nếu bây giờ lại phải có một hải đội Hoàng Sa giữ gìn tổ quốc như thế, anh có dám xung phong gia nhập như cha ông trước kia không? Anh Cường lặng đi một lúc rồi khoát tay chỉ những ngôi mộ chung quanh, lẫn trong các ruộng hành.

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo

Ở Lý Sơn đất ít, nghĩa trang tập trung không đủ, người ta chôn và xây mộ luôn ngoài ruộng, đi vòng quanh đảo, đâu đâu cũng thấy những khu ruộng – mộ, mộ - ruộng ấy.

Anh Cường giải thích, có rất nhiều ngôi mộ trong những ngôi mộ ấy là “mộ gió” của những người trong hải đội Hoàng Sa xưa kia (chỉ có mộ mà không có xác, vì xác họ vùi trong biển cả, biển cả là nấm mồ vĩ đại của họ).

Rồi anh Cường nói, tiếng Quảng khá khó nghe, nhưng đại ý: Cha ông chúng tôi đã sống và chết để gìn giữ nơi đây, rồi chúng tôi cũng sẽ như thế. Biển với chúng tôi nghĩa là sinh mạng, đảo với chúng tôi còn quý hơn cả con mắt, bàn tay. Sao lại hỏi tôi là có dám không?

Có lẽ chính vì vậy, mà trong chuyến công tác của Đoàn công tác Bộ Quốc phòng, đi đến đâu, việc đầu tiên cũng là thắp, dâng hương tại các di tích, đền, đài liệt sĩ ghi công các thế hệ anh hùng thời trước đã mưu sinh và bỏ thân gìn giữ biển đảo của Tổ quốc.

Ở Lý Sơn là tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và chùa Âm Linh tự (nơi diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm). Ở Phú Quý là nghĩa trang liệt sĩ. Ở Côn Đảo là nhóm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương.

Theo Baodatviet.vn