(Baonghean.vn) - Đây là một bộ sách y học nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam.

images1881355_s_ch_c_c_hi_m_xu_t_hi_n_t_i_l__h_i_s_ch_tp_58f8fd0679d04.jpgSách hiếm xuất hiện tại Lễ hội sách TP. HCM 2012. Ảnh: Internet

Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Hải Thượng y tông tâm lĩnh là những lĩnh hội tâm huyết về ngành Y, một bộ sách y học nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Nhận rõ trách nhiệm đối với tương lai y học nước nhà, đối với việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, từ năm 1760 Lãn Ông mở lớp huấn luyện y học. Ông trao đổi kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh với bạn đong nghiệp, tập hợp kinh nghiệm dân gìani ông tim hiểu quan hệ giữa khí hậu, thời tiết với bệnh tật ở nước ta.

Ông ghi chép bệnh án để rút kinh nghiệm những bệnh chữa khỏi và những bệnh chữa không khỏi. Qua gần ba mươi năm, ông tổng kết tinh hoa của Trung y và y học dân tộc cổ truyền, biên soạn bộ "Hải Thượng y tông tăm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu, v.v... đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.

Quyển thứ 28 của Hải Thượng y tông tâm lĩnh, bản năm 1885, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Internet

Bộ "Y tông tâm lĩnh" của ông được đánh giá cao trong nước và ngoài nước. Bộ sách này đánh dấu một bước tiến mới của sự nghiệp y học cổ truyền Việt Nam, góp phần xây dựng, phát triển nền y học đất nước ta.

Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã được dịch ra lần đầu tiên bởi Hoàng Văn Hòe và xuất bản ở miền Bắc trước năm 1970 (trừ các tập Mộng trung giác đậu, Vận khí bí điển và Bảo thai thần hiệu chưa in).

Nay Viện Y học dân tộc đã dành nhiều năm hiệu đính lại bản dịch lần trước, nâng cao chất lượng dịch thuật và Nhà xuất bản Y học chủ trương lần lượt xuất bản lại toàn bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh nhằm góp phần thực hiện chủ trương thừa kế y học dân tộc cổ truyền của Đảng và Nhà nước ta.

Lê Hữu Trác vốn có tên cúng cơm là Huân, biểu tự Cận Như, bút hiệu Quế Hiên, Thảo Am, Lãn Ông, biệt hiệu cậu Chiêu Bảy, sinh ngày 11 tháng 12 năm Canh Tí (1720) tại xóm Văn Xá, hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (đặc biệt là từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với ở quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu và phu nhân Bùi Thị Thưởng. Ông qua đời vào ngày rằm tháng 1 năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi.

Hoa Lê

(Tổng hợp) 

TIN LIÊN QUAN