Khi Sỹ Sơn còn thi đấu trên “Chảo lửa Thành Vinh” trong vai trò hậu vệ cánh, người ta truyền nhau một câu chuyện rằng, cỏ ở đường biên sân Vinh trơ trụi không phải vì nắng và gió Lào, mà vì những quả xoạc bóng của Văn Sỹ Sơn. Sự mạnh mẽ, quyết liệt và chất Nghệ chảy trong từng huyết quản của anh em nhà Văn Sỹ đang được cựu hậu vệ thép thể hiện trong vai trò huấn luyện.
Cựu cầu thủ Văn Sỹ Sơn sinh ra trong gia đình có truyền thống bóng đá bậc nhất xứ Nghệ. Bố - ông Văn Sỹ Chi là cựu cầu thủ bóng đá của đội tuyển Việt Nam cũng như đội Thể Công, anh trai Văn Sỹ Hùng và các em Văn Sỹ Thủy và Văn Sỹ Linh đều chơi bóng từ rất nhỏ, là các cầu thủ nổi tiếng một thời.
Cùng với hai người anh em Văn Sỹ Hùng và Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn đã tạo ra bộ ba lừng danh của bóng đá xứ Nghệ. Hậu vệ cánh trái ngày nào là một trong những hảo thủ dưới thời HLV Nguyễn Thành Vinh, làm mưa làm gió trong giai đoạn suốt 6 năm SLNA bất bại tại "Chảo lửa Thành Vinh" (1996 - 2001).
Có thể nói, Văn Sỹ Sơn và các anh em của mình đã trải qua một cuộc đời, sự nghiệp thi đấu nhiều thăng trầm. Năm 1972, ông Chi rời Thể Công về làm HLV cho đội bóng Công an Thanh Hóa, đây cũng là thời điểm mà Văn Sỹ Sơn chào đời, sau đó là Văn Sỹ Thủy (SN 1974) và Văn Sỹ Linh (SN 1980). Sỹ Sơn và các em đều bắt đầu nghiệp cầu thủ tại bóng đá xứ Thanh.
Giai đoạn sinh thành Sỹ Sơn cũng là thời điểm gia đình anh sống giữa chồng chất khó khăn, bà Việt mẹ của anh phải nghỉ việc ở nhiệm sở để đi buôn gạo. Hồi đó lương thực rất khó khăn, nhưng nhờ công việc của mẹ mà anh em nhà Sỹ Sơn được ăn cơm thả sức. Năm 1991, bà Việt vô tình gặp được bộ ba Thành Vinh - Hồng Thanh - ông Đức và được gợi ý đón các con bà về thi đấu cho CLB SLNA. Hai ngày sau, Sỹ Sơn và em trai Sỹ Thủy được mẹ đưa về Vinh thử việc. Chỉ một tuần thi tuyển, hai anh em được nhận vào đội. Sau đó, cậu con út Văn Sỹ Linh (SN 1980) cũng gia nhập CLB SLNA.
Văn Sỹ Sơn như một cầu thủ tài tử, từng là đội trưởng nảy lửa trên sân cỏ nhưng cũng từng phải nhận án kỷ luật cảnh cáo, treo giò 1 năm rưỡi vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong mùa bóng 2003-2004. Anh cống hiến cho SLNA tới năm 2007 khi đã 36 tuổi mới giải nghệ. Tài năng là vậy, nhưng có lẽ vì tính cách bốc đồng khác với anh trai Sỹ Hùng mà Sỹ Sơn chưa bao giờ được gọi lên tuyển.
Năm 2004 cũng là năm gia đình Sỹ Sơn hoang mang cực điểm, ông Văn Sỹ Chi nghỉ hưu, anh trai đầu Văn Sỹ Ngọc hết thời ở lại xứ Thanh, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Linh bị sa thải, còn lại mình Văn Sỹ Sơn vùng vẫy giữa cuộc “đại phẫu” của SLNA.
Đang mang án treo giò, nhưng Sỹ Sơn quyết ở lại SLNA bằng mọi giá, từng tuyên bố gây chấn động sẽ cho nổ "bom" nếu động đến anh trong cơn khủng hoảng của toàn đội.
Trải qua bao giai đoạn, vinh quang, lận đận rồi nghèo đói, khốn khó tận cùng của bóng đá xứ Nghệ. Chỉ từng đó thôi, Sơn cũng có thể đủ tư cách đứng giữa sân Vinh mà nói chuyện bóng đá Nghệ với các thế hệ đàn em.
Văn Sỹ Sơn kể lại: “Thời của bọn tôi, chỉ có tập và tập thôi. Các thầy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, đã là người con xứ Nghệ thì luôn mang phẩm chất, tinh thần quyết chiến trong tất cả các mặt trận. Nếu tập luyện không tốt, ắt rằng khi vào sân thi đấu sẽ không bao giờ đạt được thành tích. Ngày xưa có lần đá tập đối kháng, tôi còn “phang” cả Sỹ Hùng và Sỹ Thủy vì khéo quá.
Không biết các em bây giờ có đêm nào vắt tay lên trán, trằn trọc không ngủ được vì không hiểu sao mình lại thua như thời của bọn tôi không. Tất nhiên, bây giờ các em có khác xưa, nhưng tôi nghĩ cái quan trọng nhất là mỗi cầu thủ khi ra sân luôn thi đấu vì người hâm mộ, vì gia đình và vì màu cờ sắc áo chứ không phải đá vì cái thương hiệu của chính bản thân mình.”
Năm 2008, khi kinh tế đã kiệt quệ, Sỹ Sơn bán nhà riêng để theo học huấn luyện viên rồi đầu quân cho Hà Nội T&T nhờ vào sự giới thiệu của bạn thân Triệu Quang Hà. Mùa bóng 2008, cựu hậu vệ Sông Lam góp phần đưa Hà Nội T&T lên chuyên nghiệp trong vai trò trợ lý cùng HLV Chu Đình Nghiêm.
Tại Hà Nội, Sỹ Sơn tái ngộ người đồng đội cũ Hữu Thắng vào năm 2009 khi trung vệ thép SLNA được bầu Hiển mời ra cứu cánh cho đội bóng thủ đô với mục tiêu trụ hạng. Thành công đầu tiên mà Sỹ Sơn gặt hái được trong cabin đội bóng Hà Nội là chức vô địch V.League 2010. Làm thầy, Sỹ Sơn chín chắn hơn nhưng cái tính khí nóng nảy, bốc đồng từng khiến anh phải lĩnh án kỷ luật vì một lần vái lạy trọng tài Võ Minh Trí vẫn chưa thay đổi nhiều.
Sau những thành công cùng Hà Nội đến V.League 2018 khi HLV Chu Đình Nghiêm nhận án kỷ luật 4 trận, Sỹ Sơn làm người đóng thế 3 trận và giúp đội bóng thủ đô duy trì mạch toàn thắng, băng băng tiến tới vị trí vô địch lượt đi. Từng nhiều năm làm trợ lý cho các đời HLV như Triệu Quang Hà, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Phạm Minh Đức hay Chu Đình Nghiêm, nhưng đây mới là lần đầu tiên ông Văn Sỹ Sơn trực tiếp “điều binh khiển tướng”. Áp lực là không nhỏ, bởi vị trợ lý này sẽ phải sắm vai chính lo từ chuyên môn cho đến tinh thần cho các học trò trong khi HLV Đình Nghiêm trước đó đang làm rất tốt.
Trận đấu giữa SLNA và Hà Nội tại vòng 10 vừa qua là trận đấu đầu tiên mà đứa con quê hương Văn Sỹ Sơn trở về đối đầu đội bóng quê hương và trực tiếp cầm quân. Một trận thắng để lại cho Sỹ Sơn quá nhiều cảm xúc bồi hồi giữa hai nửa vui buồn. Đam mê và theo đuổi quả bóng đến cùng, dù nhiều năm chấp nhận làm kép phụ, Sỹ Sơn thực sự “ép xác” và đau đáu vươn lên khẳng định truyền thống gia đình.
Chia sẻ của HLV Văn Sỹ Sơn ngày trở về quê hương. Video: On Sports |