Đã 49 năm trôi qua nhưng với những cán bộ phóng viên kì cựu - những người đặt nền móng đầu tiên cho tờ Báo Nghệ An họ vẫn luôn nhớ về ngày ra số báo đầu tiên. Để đến nay, cứ đến ngày ấy những người làm báo xưa lại có dịp gặp nhau thăm hỏi những đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ trẻ và trao cho nhau những ân tình. Họ cũng nói rằng, mỗi chuyến trở lại Báo Nghệ An chính là trở về mái nhà xưa của mình.
Sau 2 lần nhập, tách tỉnh và nhiều lần thay đổi trụ sở làm việc, những nhà báo kì cựu của Báo Nghệ An đã nghỉ hưu, nay chỉ còn 19 người. Nhưng ở họ, tập hợp khá đầy đủ một thời kì làm báo của Báo Nghệ An, mà cả tòa soạn chỉ chưa đầy hai chục người,phải sơ tán từ nơi này đến nơi khác.
Trong thời kì gian khó ấy, hàng nghìn bài báo hừng hực nhựa sống được ra đời, đưa đến cho bạn đọc nhiều cái nhìn toàn diện về Nghệ An trong chiến đấu, sản xuất và xây dựng. Đó là thời kì mà tên tuổi của Báo Nghệ An gắn liền với những cây bút nổi tiếng như Thanh Phong, Quốc Bảo, Tuấn Cương, Quý Kì, Văn Hiền, Phan Thị Liên...
Nhớ lại những ngày gian khổ đó, động lực để thúc đẩy các phóng viên khi ấy làm việc đó là trong lòng luôn đinh ninh "làm việc một tâm vì dân tộc" - nhà báo Tuấn Cương cho biết. Cũng vì chữ "tâm" với nghề này mà nhà báo Tuấn Cương đang từ một chiến sỹ công an ở thành phố Hải Phòng chuyển về làm phóng viên của Báo Nghệ An rồi từ đó cho ra đời hàng loạt những tác phẩm báo viết có giá trị, mang tính chiến đấu cao, như: "Bớt xén nhỏ, chiếm ăn to", "Quýt làm cam chịu"... Đặc biệt với tác phẩm "Bớt xén nhỏ, chiếm ăn to" lần đầu tiên trên diễn đàn báo chí tỉnh nhà tác giả Tuấn Cương đã đem đến cho độc giả một cái nhìn trực diện nhất về những gian lận trong công tác thu thuế nông nghiệp của một địa phương.
Sau tác phẩm ấy, hàng loạt cán bộ nông nghiệp bị kỉ luật còn người dân thì vui sướng vì hàng trăm tấn thóc đã không bị lọt vào tay những kẻ tham nhũng. Riêng ông sau những trăn trở, đau đáu của nghề báo, nay về hưu ông lại vui niềm vui của ông giáo làng "tôi hạnh phúc vì mỗi một ngày trôi qua lại có một học trò dưới sự chỉ bảo của tôi đã tiến bộ. Niềm vui đó cũng lớn lao như ngày trước viết xong một bài phóng sự vậy".
Nhắc đến mảng đề tài đấu tranh chống tham nhũng, gian lận, nhà báo Văn Hiền cũng không thể quên tác phẩm "Bí thư Đảng ủy Nghi Phong - Khai tăng tuổi nhận tiền chế độ", bài viết được ông đăng tải khi đang nguyên là Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Sau bài viết này ông nổi danh với tên gọi "nhà báo chống tiêu cực bị ra tòa" vì đã hai lần phải ra tòa để chứng minh sự chân thực, chính xác trong tác phẩm của mình.
Bây giờ dù không ở cương vị cũ nhưng với vai trò là Trưởng đại diện Tạp chí Người làm báo khu vực Bắc Trung Bộ, ông vẫn đều đặn có những bài viết cộng tác với báo Nghệ An và thường xuyên chỉ bảo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho lớp phóng viên kế cận. Nhà báo Hồ Kim Tuấn thì nay dù đã bước sang tuổi tám mươi nhưng từng có "hai chuyến đi Lào và có kế hoạch đi Cam Pu Chia, đồng thời ấp ủ cùng con trai đi hết những nơi mà Báo Nghệ An đã từng đặt trụ sở và sinh hoạt ở nhà dân Tân Sơn, Quang Sơn (Đô Lương), Tân Kỳ" bởi theo ông suy nghĩ "chỉ có đi mới viết được".
Những cái bắt tay thật chặt, những cái nhìn chứa chan và những tâm sự nghề nghiệp dường như vẫn chưa nói hết được nỗi lòng của hai thế hệ những người làm báo Nghệ An. Với một sự tiếc nuối nhà báo Tuấn Cương chia sẻ rằng: Nghề làm báo luôn gây cho tôi một sự day dứt bởi tôi chưa bao giờ thấy những bài báo của mình là nói đủ, viết đủ.
Tôi luôn tâm niệm phải làm sao để những người bỏ tiền ra mua tờ báo của mình họ thấy thực sự có ích. Có lẽ cũng bởi suy nghĩ ấy nên dù hôm nay báo Nghệ An đã phát triển tới 4 ấn phẩm Nhật báo, báo Cuối tuần, chuyên trang Dân tộc và Miền núi, Nghệ An điện tử...nhưng những người làm báo Nghệ An vẫn thấy chưa đủ và vẫn còn phải học hỏi những thế hệ đi trước rất nhiều.
Hướng đi nào để tờ báo Nghệ An hoàn thành sứ mệnh là "Tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân Nghệ An". Sau nhiều năm giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Nghệ An, theo nhà báo Nguyễn Thanh Tiên thì một trong ba yếu tố cần thiết của một người làm báo đảng đó là phải "Rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, không chao đảo". Những lời tâm huyết đó, sẽ là những định hướng quan trọng để thời gian tới báo Nghệ An tiếp tục đổi mới để khẳng định vị trí của mình. Đó cũng chính là nguồn "năng lượng mới" để thế hệ làm báo hôm nay hun đúc, xây dựng... chờ ngày hái quả mới trong dịp kỉ niệm 50 năm ngày thành lập.