(Baonghean) - Kể từ ngày ông Nguyễn Văn Hữu qua đời, ngôi nhà nhỏ ở khối 10 thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) vắng hẳn tiếng cười. Thế nhưng, thêm một lần nữa điều không may mắn lại ập đến: bác sỹ báo tin bà Châu (vợ ông Hữu) bị ung thư…   

Ngôi nhà nhỏ hai gian xây đã khá lâu là tài sản giá trị nhất mà người thương binh Nguyễn Văn Hữu để lại cho vợ và hai người con trai trước khi ông ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo: ung thư máu. Đó là di chứng của chất độc hoá học màu da cam mà ông bị nhiễm từ khi ở chiến trường và hiện vẫn đang hiện hữu trong thân thể không nguyên vẹn nơi đứa con trai đầu của ông. Quá hụt hẫng khi mất đi chồng, mất đi trụ cột chính trong gia đình nhưng bà Châu vẫn gắng gượng để nuôi hai con khôn lớn. Niềm vui dường như đã đến trong gia đình khi cậu con trai thứ Nguyễn Văn Nguyên khoẻ mạnh đã lập được gia đình và sinh cháu nội.

763415_small_59326.jpg
 Ông Hoàng Văn Phi (Bí thư Huyện uỷ Hưng Nguyên) trao quà cho gia đình bà Châu.

Thế nhưng, thêm một lần nữa điều không may mắn lại ập đến gia đình bà: bác sỹ báo tin bà bị ung thư - thứ bệnh ghê gớm mà không bao giờ bà muốn nhắc lại một lần nữa. Vậy là bao nhiêu năm làm lụng, tất cả tiền của của gia đình đều dồn hết cho bà Châu đi điều trị ở Hà Nội. Lần 1, rồi lần 2, tài sản của gia đình trở nên khánh kiệt. Thương mẹ, thương vợ, thương con và thương người anh trai đã đến tuối lập gia đình mà vẫn bơ vơ, anh Nguyên quyết định vay tiền họ hàng để xin đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Chưa kịp mừng thì anh bị từ chối làm visa bởi lý do: bị dị tật tim bẩm sinh – căn bệnh mà anh đã mang 26 năm qua nhưng chưa bao giờ anh biết tới. Bà Châu thêm một lần nữa cạn nước mắt vì biết rằng: đó cũng có thể là di chứng từ chất độc màu da cam mà người bố đã để lại.
 
Phát bệnh nặng đã hai năm nhưng đến nay anh Nguyên vẫn chưa có tiền chạy chữa. Mọi gánh nặng của gia đình dồn lên cả trên đôi vai vợ anh và người chị dâu đang mang thai bởi đây là hai lao động chính của gia đình. Hàng ngày hai chị thay nhau đi bán vé số, số tiền kiếm được trong ngày chỉ đủ nuôi 6 miệng ăn trong gia đình. Phần thuốc men cho những “bệnh nhân” đang điều trị hoàn toàn phải đi vay mượn hoặc nhờ cậy gia đình đằng ngoại.  Bằng một giọng trầm buồn, anh Nguyên chia sẻ: Đáng lẽ cáng đáng công việc trong gia đình phải là người con trai nhưng anh trai thì bị tật, tôi thì bị tim không được lao động nặng nên đành phải nhờ vợ. Khổ tâm lắm, nhưng không biết phải làm sao.


 Anh Nguyên và con trai trong căn nhà đã xuống cấp.

Trước hoàn cảnh thương tâm này, thời gian qua Huyện uỷ Hưng Nguyên và Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện đã đến thăm và hỗ trợ cho gia đình bà Châu. Tuy nhiên mong muốn lớn hơn của huyện cũng như gia đình bà bây giờ đó là có tiền để anh Nguyên đi phẫu thuật tim và sớm hoàn thiện thủ tục để anh được hưởng chế độ của người bị nhiễm chất độc màu da cam. Ước mơ đó cho đến nay vẫn còn là niềm mong đợi.


Mỹ Hà