Cho dù được các tổ chức, cá nhân kêu gọi “giải cứu” thông qua các kênh như báo chí, mạng xã hội nhưng số gừng do bà con miền núi trồng và thu hoạch vụ vừa qua cũng không bán được bao nhiêu. Hiện tại ở các huyện rẻo cao như: Kỳ Sơn, Tương Dương vẫn ứ đọng hàng ngàn tấn gừng không tiêu thụ được. Nguyên nhân chắc hẳn cũng không chỉ do tác động của đại dịch Covid-19 khiến loại nông sản này không vận chuyển được mà dường như đang xảy ra kịch bản “khủng hoảng thừa”.
Ở huyện Kỳ Sơn, gừng, nghệ được triển khai trồng thành sản phẩm hàng hóa từ cách đây hơn 5 năm. Với diện tích hàng trăm ha, gừng được quy hoạch trên vùng núi cao trong khu vực sinh sống, sản xuất của đồng bào dân tộc Mông. Cùng với một số loại cây trồng khác, gừng được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vốn khó khăn của các cộng đồng dân cư miền núi. Với sự hỗ trợ của ngành Khoa học và Công nghệ, năm 2019 gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Điều này cũng có nghĩa củ gừng Kỳ Sơn đã được cơ quan chức năng bảo hộ về thương hiệu, công nhận về chất lượng và trở thành đặc sản của huyện rẻo cao này.
Những năm trước cây gừng thực sự đã mang lại niềm vui cho bà con, nhất là đối với đồng bào người Mông. Loại nông sản này đã bổ sung vào nguồn thu nhập cho những hộ tham gia trồng. Nhưng người ta vẫn nói niềm vui thường không kéo dài. Gừng được trồng nhiều, năng suất lại cao trong khi đó đầu ra cho nông sản, tiêu thụ vẫn chưa đáp ứng được. Người dân lâu nay vẫn phải bán nhỏ lẻ cho tư thương và phụ thuộc vào khả năng mua của đối tượng này.
Loay hoay tìm kiếm đầu ra cho nông sản là câu chuyện không mới. Gừng Kỳ Sơn cũng vậy. Điều đáng nói là trước đây chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã bằng nhiều cách để tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích gừng nhằm cải thiện đời sống. Nay thì gừng đã thừa, đã ứ đọng ra đó và bà con cũng rất mong được chính quyền các cấp vạch cho cái đường đi để bao tiêu sản phẩm. Gừng vốn cay, để lâu hẳn sẽ “cay” hơn…