(Baonghean) - Các nhà lãnh đạo Khu vực đồng euro (eurozone) đã đạt được thỏa thuận nhằm cung cấp gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho Hy Lạp. Giờ đây Thủ tướng Hy Lạp phải thuyết phục các thành viên quốc hội thông qua loạt biện pháp khắc khổ mà trước đó ông hứa hẹn sẽ tránh né.
 
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk là người đầu tiên xác nhận tin tức về thỏa thuận này vào sáng 13/7 - sau 17 giờ đàm phán tại Brussels.
 
Ngay sau đó, ông cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem đã xuất hiện tại buổi họp báo công bố về thỏa thuận.
 
Ông Donald Tusk đã miêu tả gói cứu trợ là thỏa thuận nhằm cứu quốc gia eurozone đang lâm vào nghèo khó này thoát khỏi cảnh phá sản và bảo đảm thỏa thuận này sẽ cho phép Athens “quay trở lại đúng đường”.
 
images1190641_0__18580599_401_00.jpgThủ tướng Hy Lạp sẽ phải thuyết phục Quốc hội sớm thông qua các biện pháp khắc khổ trong gói cứu trợ. Ảnh: Reuters
Ông Junker khẳng định: “Grexit đã lui vào dĩ vãng”, khi nói về kịch bản Hy Lạp bị đẩy ra khỏi eurozone nếu không đạt được thỏa thuận.
 
Phát biểu trước báo giới không lâu sau đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras dường như đã bắt đầu công việc khó khăn là cố gắng quảng bá thỏa thuận này như một chiến thắng đối với chính phủ liên minh chống khắc khổ của ông.
 
Ông nói: “Chúng tôi đã chiến đấu đến cùng trong một trận chiến chính đáng. Bất chấp những biện pháp cứng rắn trong thỏa thuận, phần đông người dân Hy Lạp sẽ ủng hộ nỗ lực này”.
 
Trong bình luận của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh bất kể thực tế rằng thỏa thuận đem lại một số khoản hỗ trợ cho Athens, sẽ không có khoản giảm trừ nợ mới nào cho Hy Lạp. Bà cũng lưu ý “cần tái xây dựng lòng tin” giữa Hy Lạp và các chủ nợ, dù đạt được điều này và thực thi các điều khoản cứu trợ sẽ không hề dễ dàng.
 
Thỏa thuận được công bố hôm qua sẽ đòi hỏi Tsipras thúc đẩy Quốc hội Hy Lạp  sớm thông qua loạt biện pháp khắc khổ, bao gồm cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và cải cách tiền lương, vốn là những dạng cải cách mà Tsipras và đảng cánh tả Syriza tuyên thệ sẽ ngăn chặn khi đắc cử hồi đầu năm.
 
Thỏa thuận trên được đưa ra khi các ngân hàng Hy Lạp vẫn đóng cửa và các biện pháp kiểm soát vốn chỉ cho phép người dân rút tối đa 60 euro mỗi ngày.
 
Về nhu cầu cấp bách đối với tính thanh khoản, người đứng đầu Eurogroup Dijsselbloem nói rằng các bộ trưởng eurozone sẽ gặp gỡ trong vài giờ để bàn thảo các cách nhanh chóng rót tiền cho Hy Lạp thông qua khoản tài trợ bắc cầu.
 
Phú Bình
(Theo AP, Reuters, AFP)