(Baonghean) - Nhà máy thủy điện Khe Bố hoạt động từ tháng 5/2013 nhưng tồn đọng liên quan công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư của dự án 2.500 tỷ đồng này vẫn chưa giải quyết xong. Người dân trong vùng thực hiện dự án bức xúc, còn cán bộ các cấp từ cơ sở đến huyện băn khoăn, lo lắng.

Hàng loạt tồn đọng

Những bất cập trong đời sống của người dân liên quan Dự án Thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) tại địa bàn các bản Đình Hương, Đình Thắng, Đình Phong, Đình Tiến (xã Tam Đình); bản Pủng, bản Cảnh Tạng, bản Lườm (xã Yên Thắng); bản Cánh Tráp, bản Na Tổng (xã Tam Thái)… đã tồn tại qua nhiều năm.

Ấy là, nhường đất để nhà máy thủy điện tích nước nhưng người dân không có nước sinh hoạt; sống cạnh nhà máy thủy điện đã hoạt động hơn 3 năm nhưng dân không có điện sử dụng; đất sản xuất thiếu khiến người dân lâm vào cảnh không có việc làm, thậm chí, phải tha hương kiếm sống; hạ tầng công trình công cộng thiếu thốn, đường giao thông chắp vá chỗ có chỗ không; không ít khoản đền bù, hỗ trợ chưa được nhận…  

images1815276_8b.jpgBản tái định cư Đình Tiến, xã Tam Đình (Tương Dương).

Theo khảo sát mới nhất của HĐND huyện Tương Dương về việc thực hiện chính sách bồi thường GPMB công trình Thủy điện Khe Bố (ngày 19/12/2016), tại xã Tam Đình còn những tồn đọng: bản Đình Thắng chưa có công trình nước sinh hoạt; đường nội thôn các bản Đình Tiến, Đình Hương chưa làm, bản Đình Phong, Đình Thắng, đường nội thôn xây dựng chưa xong; ở các bản Đình Hương, Đình Thắng cống qua đường chưa được lắp đặt; các trường học không được xây dựng bờ rào, không có công trình vệ sinh công cộng; các khoản tiền hỗ trợ các hộ tự san nền nhà ở, vận chuyển nhà, hộ nghèo, phát dọn khu tái định cư bản Đình Thắng chưa được chi trả; một số khoản đền bù đất thu hồi chưa được chi trả; kinh phí hỗ trợ dân tự túc nước sinh hoạt 5 năm tại bản Đình Thắng chưa có...

Còn tại xã Yên Thắng, người dân bản Pủng kiến nghị bồi thường về chênh lệch đất ở; bồi thường thiệt hại đất vườn ven suối; hỗ trợ tiền tự tìm đất dắm nhà cho 7 hộ di dời ra khỏi bản (20 triệu đồng/hộ); hỗ trợ 5,7 triệu đồng/khẩu theo quy định của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, trường học, nhà cộng đồng để bàn giao đưa vào sử dụng. Cũng ở Yên Thắng, người dân bản Cảnh Tạng đề nghị hỗ trợ, đền bù đất ven khe suối cho các hộ còn thiếu và đất của cộng đồng thôn bản; chi trả theo quy định chế độ cho 9 hộ nghèo đã di chuyển nhà ở; khảo sát lại lưu vực lòng hồ vì có 15 hộ có nguy cơ ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng; đề nghị Hội đồng bồi thường GPMB xem xét lại hỗ trợ đền bù đất ven khe suối…

Ở các bản Cánh Tráp, Na Tổng, Tân Hợp (xã Tam Thái) có đến hàng trăm hộ dân kiến nghị làm rõ việc chi trả tiền đền bù đất đai, cây cối, hỗ trợ hộ nghèo. Xã Thạch Giám thì đề nghị chi trả bổ sung kinh phí bồi thường thiệt hại tài sản trên đất như cây cối, hoa màu, vật kiến trúc theo Quyết định 855/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 của UBND huyện Tương Dương; đề nghị kiểm tra lại tuyến đường bản Mác - bản Lau - bản Nhẵn thi công không đúng thiết kế và chi trả tiền bồi thường về đất cho các hộ hai bên đường; đề nghị kiểm tra lại các công trình nhà văn hóa các bản Mác, Cây Me và có phương án tu sửa lại vì đã hư hỏng do thi công chất lượng kém… 

Ở thị trấn Hòa Bình, cử tri cũng kiến nghị khẩn trương bồi thường thiệt hại về đất ở cho các gia đình bị ảnh hưởng; cấp giấy chứng nhận QSD đất sau khi thu hồi cho các hộ bị ảnh hưởng và cắm lại mốc ngập nước hồ thủy điện bằng cọc bê tông trước khi giao cho UBND thị trấn quản lý…

Khó khăn lâu dài?

Trong năm 2016, UBND huyện Tương Dương đã có một số buổi làm việc với chủ đầu tư công trình Nhà máy Thủy điện Khe Bố để làm rõ các nội dung liên quan còn tồn đọng của dự án này. Ngày 4/10/2016, hai bên thống nhất, chủ đầu tư sớm phê duyệt thiết kế đường nội vùng các bản Đình Thắng, Đình Phong (xã Tam Đình); san nền, kè chống xói, đường nội vùng bản Mác (xã Thạch Giám)... để UBND huyện tổ chức thực hiện.

Đối với một số hạng mục công trình hạ tầng dở dang như đường tránh Quốc lộ 7A đoạn qua xã Thạch Giám, đường liên thôn liên bản tại các khu tái định cư tiến độ quá chậm, yêu cầu phía chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Dự án đường tránh ngập Quốc lộ 7A đoạn qua xã Thạch Giám thi công dở dang.

Về công trình nước sinh hoạt tại bản Đình Thắng, do vị trí đầu nguồn nước đang thi công để cung cấp cho nhân dân không đủ nước. Vì vậy, huyện Tương Dương sẽ phối hợp với chủ đầu tư và các bên liên quan tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trường để quyết toán khối lượng đã hoàn thành cho đơn vị nhận thầu, đồng thời khảo sát lựa chọn vị trí mới khả thi hơn để đầu tư xây dựng.

Liên quan đến chế độ chính sách đối với hộ nghèo thuộc diện di dân tái định cư, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo đúng nội dung đã được hai bên thống nhất trước đây. Về công tác thanh quyết toán các công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý Nhà máy Thủy điện Khe Bố xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với từng đơn vị nhận thầu thi công và cung cấp danh mục các công trình, dự án được đầu tư xây dựng, hồ sơ của từng công trình để huyện làm việc với từng đơn vị liên quan.

Đối với kinh phí bồi thường, hỗ trợ về đất cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng lòng hồ Thủy điện Khe Bố tại khu vực thị trấn Hòa Bình, chủ đầu tư cam kết cấp ứng 50% kinh phí được phê duyệt khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng chi tiết và sẽ cấp 50% giá trị còn lại trong phạm vi 25 ngày để hội đồng chi trả cho nhân dân theo quy định. Về các hạng mục nhà văn hóa, trường học chưa có nước và nhà vệ sinh, UBND huyện sớm có thiết kế theo mẫu chung để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện.

Dù huyện Tương Dương và chủ đầu tư đã thống nhất hướng giải quyết ở một số nội dung nhưng với kết quả khảo sát của HĐND huyện đã cho thấy kết cục việc thực hiện vẫn đang bế tắc. Theo ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương cho biết, sau quá trình 2 tháng thực hiện khảo sát thực tế ở các xã có liên quan đến Dự án Thủy điện Khe Bố, Thường trực HĐND huyện đã đề nghị HĐND huyện bổ sung vào Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2017 nội dung giao cho UBND huyện giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng Thủy điện Khe Bố.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, cuối năm qua, huyện cũng đã liệt kê ra những tồn tại lớn trong công tác bồi thường GPMB, di dân tái định cư Dự án Thủy điện Khe Bố. Đó là, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Thủy điện Khe Bố đã được thành lập mới (ngày 1/9/2016) nhưng công tác bàn giao đến nay chưa được thực hiện; có những biểu hiện cho thấy có sự thất thoát kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; chưa có rà soát đối chiếu kinh phí bồi thường; chưa lập hồ sơ tính giá trị chênh lệch nơi đi nơi đến; một số chính sách hỗ trợ chưa được thực hiện như chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ về đất; chi trả hỗ trợ khẩu nghèo…;  một số nội dung người dân từng được hứa hỗ trợ kinh phí như tự san nền, di dời nhà sàn... nhưng bây giờ rất khó có thể thực hiện do chủ đầu tư không chấp nhận.

Tìm hiểu được biết, do một số thành viên Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng công trình thủy điện Khe Bố huyện Tương Dương có dấu hiệu vi phạm quản lý nhà nước về tài chính nên toàn bộ hồ sơ liên quan của dự án này đang bị cơ quan điều tra niêm yết.

Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời ra khỏi vùng lòng hồ thuỷ điện Khe Bố là 585 hộ, 2.539 khẩu; tính đến ngày 30/11/2016, tổng số hộ đã di dời là 548 hộ, 2.369 khẩu, đạt 93,68% KH. Đã di vén và xây dựng 8 khu tái định cư. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là trên 410,5 tỷ đồng, đã giải ngân 228.045.455.000 đồng, đạt 55,6% KH. Trong đó giá trị bồi thường trên 136,7 tỷ đồng, đã giải ngân trên 58,7 tỷ đồng; giá trị hỗ trợ trên 19,9 tỷ đồng, đã giải ngân trên 15,3 tỷ đồng; kinh phí thực hiện tái định cư (gồm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng nhà ở tái định cư) là trên 123,3 tỷ đồng, đã giải ngân trên 136,3 tỷ đồng…

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN