Phản biện xã hội nói chung và trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng nói riêng cần mở rộng dân chủ để nghìn tai, nghìn mắt của dân cũng thực sự là của Đảng
Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Văn kiện Đại hội Đảng đưa ra nhận định: Sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý nhà nước còn hạn chế.
Ảnh minh họa Trong các phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, Dự thảo đưa ra phương hướng, nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; bảo đảm quyền tự do, dân chủ trong hoạt động kinh tế của người dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và sự thâm gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong xây dựng và giám sát việc thực hiện thể chế kinh tế và phát triển kinh tế- xã hội.
Giám sát, phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết
Dự thảo cũng nhấn mạnh: Coi trọng tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Phạm Tuấn Huy, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho rằng, hiện nay các nước trên thế giới đều lên án mạnh mẽ tệ tham nhũng, coi tham nhũng là kẻ thù của quá trình phát triển. Giám sát, phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết, góp phần khắc phục tệ tham nhũng, quan liêu... Giám sát, phản biện xã hội là công cụ quan trọng để MTTQ thực hiện nhiệm vụ tư vấn với Đảng và Chính phủ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
“Chỉ có thể phản biện xã hội tốt nếu công tác giám sát của MTTQ được triển khai thực hiện tốt, thực chất và đồng bộ, có hiệu quả. Phản biện xã hội cũng là một kênh quan trọng để MTTQ tham gia giám sát việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, để những chủ trương, chính sách, pháp luật đó có tính hợp pháp và hợp lý, có tính khả thi cao và được thực tiễn cuộc sống chấp nhận. Vấn đề giám sát có thể ở cơ sở làm là chính, nhưng phản biện xã hội thì phải ở cấp Trung ương”- ông Phạm Tuấn Huy phân tích.
Theo PGS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, hiện nay các tổ chức chính trị như Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là những tổ chức do Đảng và Nhà nước thành lập, cung cấp tài chính, định hướng hoạt động. Đây là những tổ chức có cơ sở hoạt động rộng khắp, được tổ chức chặt chẽ và hoạt động tương đối mạnh mẽ, nhưng nhìn chung họ đã tham gia vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội một cách yếu ớt. Các tổ chức xã hội khác hầu như phải hoàn toàn tự cấp tài chính, tự tổ chức các hoạt động, không được sự hỗ trợ của nhà nước nên hoạt động còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp, không có lực lượng chuyên gia, không có kinh phí để làm công tác giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả.
Người dân phải tham gia giám sát, phản biện xã hội
Theo ông Phạm Tuấn Huy, Nhà nước của chúng ta là của dân, do dân và vì dân. Chính người dân mới là người tham gia giám sát, phản biện xã hội, MTTQ đại diện cho nhân dân, nhận gánh nặng mà nhân dân giao phó. Giám sát, phản biện xã hội của MTTQ là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và chính sách cụ thể của nhà nước, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật sát hợp với thực tiễn của đời sống xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, sẽ góp phần nâng cao vai trò của MTTQ trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Để làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, MTTQ cần phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc dân biết, dân làm, dân kiểm tra đồng thời tạo kiều kiện, ban hành chính sách dể thực hiện nguyên tắc này. “Bác Hồ đã nói "Dân biết nhiều việc mà Đảng và Nhà nước không biết, dân có nghìn tai, nghìn mắt, cái kim trong bọc dân cũng biết”. Phản biện xã hội nói chung và trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng nói riêng cần mở rộng dân chủ để nghìn tai, nghìn mắt của dân cũng thực sự là của Đảng”.
PGS.TS Võ Đại Lược cũng nhấn mạnh, muốn phát huy dân chủ, thì vấn đề hết sức quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện xã hội là một hoạt động rất phổ biến trong các xã hội hiện đại. Nó đã phổ biến đến mức người ta không thể tưởng tượng được sự tồn tại của xã hội hiện đại sẽ như thế nào nếu không có hoạt động này.
“Chính hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả. Vấn đề đặt ra là ai giám sát và phản biện, giám sát cái gì và như thế nào và những điều kiện đảm bảo sự thành công của hoạt động giám sát và phản biện xã hội”- PGS.TS Võ Đại Lược nói.
Tạo văn hóa trong giám sát và phản biện xã hội
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, để hoạt động giám sát và phản biện được tiến hành tốt, Nhà nước phải ban hành một khuôn khổ pháp luật cho các tổ chức xã hội hoạt động. Khuôn khổ pháp này sẽ tạo thuận lợi cho sự ra đời của các tổ chức xã hội đa dạng, đồng thời đảm bảo hoạt động của các tổ chức này theo tinh thần xây dựng và phát triển đất nước. Các tổ chức xã hội phải được hình thành trên tất cả các lĩnh vực kinh tế; các ngành nghề; các cộng đồng dân cư và do vậy những tổ chức xã hội này mới có thể tham gia giám sát, phản biện mọi mặt hoạt động kinh tế của nhà nước. Còn như hiện nay, các tổ chức xã hội ở Việt Nam mới được thành lập một cách hạn chế, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, ngành nghề chưa có các tổ chức xã hội, do vậy khó có tiếng nói giám sát và phản biện xã hội ở trên các lĩnh vực này.
Theo PGS.TS. Phạm Quang Hoan, dự thảo nên bổ sung về những kết quả thực hiện về nội dung phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội. Cụ thể nên bổ sung nội dung hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính đạt kết quả tích cực, phát huy dân chủ ở cơ sở và tăng cường giám sát xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng.
Đồng thời quy định việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện công khai, minh bạch và tăng cường hơn trách nhiệm giải trình xã hội. Tăng cường dân chủ và trách nhiệm giám sát xã hội của các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội ở cơ sở.
PGS.TS Võ Đại Lược cho rằng, cần xây dựng văn hóa giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tự nguyện chịu sự giám sát và phản biện xã hội. Có một lực lượng chuyên nghiên cứu, xem xét các ý kiến tiếp thu và không tiếp thu. Trong những trường hợp cần thiết phải bố trí một nguồn kinh phí cho việc giám sát và phản biện xã hội, nghiêm cấm việc định kiến, trả đũa những người tham gia vào công việc này.
“Tạo ra một nề nếp “giám sát và phản biện xã hội lành mạnh”, không bới lông tìm vết, không chỉ trích thiếu xây dựng, không cực đoan phiến diện, không chỉ phê phán một chiều mà phải nêu ra các giải pháp, nghĩa là văn hóa giám sát và phản biện xã hội có tính xây dựng, biểu dương mặt đúng và tốt, phê phán cái sai và xấu, chỉ ra hướng giải quyết”- PGS.TS Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Không xây dựng được văn hóa phản biện và giám sát xã hội lành mạnh thì việc giám sát và phản biện xã hội sẽ khó thành công. Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không muốn bị giám sát và phản biện xã hội, không nghiên cứu tiếp thu các ý kiến giám sát và phản biện, thậm chí còn có thái độ trả đũa. Nếu các tổ chức xã hội nể sợ, né tránh hoặc quá khích thì chắc chắn công tác giám sát và phản biện xã hội sẽ không thể thu được kết quả như ý./.
Theo vov