(Baonghean) - Thầy giáo Đậu Xuân Tiêu ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu được biết đến là một ông giáo làng có 44 năm sưu tầm sách báo và tranh ảnh về Bác Hồ. Sau sự bất ngờ khi đứng trước tủ sách với hơn 1.000 cuốn sách các loại, 100 số tạp chí Liên Xô (cũ), 30 cuốn hoạ báo Trung Quốc xuất bản bằng tiếng Việt và gần 500 bức ảnh về Bác Hồ; tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông giáo...
image_1829428.jpgThầy Đậu Xuân Tiêu và vợ bên một cuốn sách về Bác Hồ.
 
- Thưa thầy, từ đâu mà thầy có ý tưởng sưu tầm sách báo, tranh ảnh về Bác Hồ ạ?
 
- Năm 1969, sau khi du học ở Trung Quốc trở về nước công tác ở Lục Ngạn, Bắc Giang, hay tin Bác mất, tôi cùng một số anh em người Nghệ An cùng nhau đến đặt vòng hoa viếng Bác ở Huyện ủy huyện Lục Ngạn. Đứng trước di ảnh Bác lúc đó, không khỏi ngỡ ngàng hụt hẫng trước sự mất mát to lớn của toàn dân tộc. Cứ suy nghĩ rằng khi Bác còn sống, mình được nhìn thấy Bác, nghe Bác nói, đọc thư Bác thăm hỏi. Nhưng bây giờ Bác đã không còn nữa, phải làm sao để Bác sống mãi với những thế hệ về sau. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng sưu tầm tranh ảnh, tài liệu, cũng như nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời và lý tưởng cách mạng của Bác. 
 
- Cuộc hành trình “đi tìm” Bác bắt đầu từ đó, thưa thầy?
 
- Năm 1971, hai vợ chồng tôi trở về Nghệ An, hành trang quý giá nhất mang theo là những cuốn sách, những bức tranh ảnh về Bác - nền móng đầu tiên cho “thư viện” sách Bác Hồ mà tôi nâng niu như báu vật đến tận bây giờ. Tôi luôn dạy các thế hệ học sinh và con cháu mình rằng, Đảng không ở đâu xa xôi mà ở trong chính mỗi người dân của nước Việt Nam. Dù có đứng trong hàng ngũ Đảng hay không, cũng phải nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình. Mỗi khi có chủ trương, nghị quyết mới của Đảng, tôi đều theo dõi, nghiên cứu và liên hệ với bản thân, với địa phương nơi mình sống, từ đó rút ra bài học để tự điều chỉnh, định hướng cho suy nghĩ, hành động của mình.  Nhiều người nhận thức mơ hồ Đảng là một điều gì xa xôi, trừu tượng, nhưng thật ra Đảng rất gần gũi với chúng ta. Ngay như tư tưởng làm cách mạng, lý tưởng Đảng do Bác Hồ khởi xướng cũng xuất phát từ ca dao tục ngữ, từ những giá trị truyền thống lâu đời của nhân dân mình. Lời răn dạy của Bác mà tôi tâm đắc nhất và cũng luôn tâm niệm phải ghi nhớ, làm theo, ấy là “Thương người như thể thương thân”, cũng chính là tinh thần đoàn kết, bác ái - một trong những tôn chỉ của Đảng. Những điều ấy xuất phát từ chính chúng ta, từ bản năng thiện tâm của con người!
 
- Lịch sử, hiểu đơn giản ở đây là quá khứ, là những gì đất nước và dân tộc đã đi qua, mà nếu không có những sự tâm huyết lưu giữ lại, rất có thể những điều kỳ diệu thực sự sẽ phai mờ dần, nhạt nhoà theo năm tháng? 
 
- Xin nói thêm điều này. Đi qua những năm tháng chiến chinh, những giai đoạn khó khăn của đất nước, mãi đến hôm nay khi mảnh đất này đã tươi xanh, cần mẫn góp nhặt những mảnh ghép của lịch sử rơi rớt lại; tôi nhận thấy rằng, trên con đường hướng tới ngày mai, không biết bao nhiêu làn gió lạ thổi qua chúng ta, nên có khi nào vô tâm ta đánh rơi một chút hoài niệm? Nhưng có những thứ dù có xưa cũ đến đâu, cũng nhất định phải gìn giữ, nâng niu. Đó là lòng tự hào, tự tôn dân tộc; là sự ghi nhớ, tri ân những thời đại, những con người của một lịch sử anh hùng, có lưu giữ được điều ấy trong trí nhớ của lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau thì mới đưa được đất nước này đi lên, trường tồn và lớn mạnh. Đòi hỏi ấy có khó khăn và xa vời quá không? Thực ra, chỉ cần ta bắt đầu từ những điều nhỏ bé thôi. Đọc một quyển sách lịch sử. Hát một bài hát cách mạng. Kính cẩn nghiêng mình trước một tượng đài hay một bức ảnh...
 
- Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này. Và cũng muốn nói thêm rằng, một nề nếp ai ai trong chúng ta cũng được giáo dục từ tấm bé - điều mà sau khi đi đến nhiều nơi trên thế giới mới thấy không phải là một cái gì quá hiển nhiên - hát Quốc ca và chào cờ. “Còn cờ là còn nước”, lời dặn này của Bác từ rất lâu về trước tôi đã nghiệm ra trong những năm tháng cô quạnh ở nơi viễn xứ, ngước nhìn lên lá cờ Tổ quốc để thấy bớt yếu lòng. Nghĩ đến đó, lại càng thêm yêu mến và kính trọng người thầy giáo già với nề nếp đều đặn mỗi sáng mai chào cờ trước di ảnh Bác - như một lời tự nhắc nhở và cũng là niềm tin bất diệt vào sự trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với đất nước anh hùng này.
 
Bài, ảnh: Thục Anh