(Baonghean) -Tuần qua, bài viết “Nhận diện mô hình, tạo bước đột phá” đăng nhật báo ngày 29/5 của PV Thành Duy nhận được nhiều phiếu bình chọn của bạn đọc. sau đây là lời bình dành cho bài viết.

Đây là bài viết về chuyến làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc với huyện Tương Dương. Có thể nói, loại bài phản ánh rất khó viết bởi thời gian để quan sát, tìm hiểu, nắm bắt tình hình ít, khuôn khổ chuyến làm việc gói gọn trong 1 ngày nhưng với sự nhanh nhạy, năng động của mình, đồng chí Thành Duy đã khéo nắm bắt được “hồn cốt”, nội dung chính của buổi làm việc để lẩy ra vấn đề trọng tâm, tập trung xoáy vào đó để phản ánh. 
 
Bài viết mở đầu bằng những khó khăn, khắc nghiệt của Tương Dương. “Khi nhắc đến Tương Dương, hẳn nhiều người sẽ hình dung về một vùng đất khô cằn, đồi núi trập trùng và nổi tiếng với đặc sản “nóng”. Cũng vì nguyên do đó mà mảnh đất nơi dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ hợp lưu thành dòng sông Cả (sông Lam) được ví von rất hình ảnh: “chảo lửa Đông Dương”. Những ngày cuối tháng 5, xứ Nghệ nóng quay quắt, gió Lào thổi rạt bờ tre…”. Đất cằn, thời tiết khắc nghiệt nên cuộc sống của đồng bào vùng biên viễn này gặp muôn vàn khó khăn: “Thiên nhiên quá khắc nghiệt, ắt điều đó cũng lý giải phần nào “cái duyên” gắn với chữ nghèo của mảnh đất này dẫu Tương Dương được đánh giá có rất nhiều tiềm năng. Vì vậy, thoát nghèo cho cả vùng miền Tây rộng lớn của Nghệ An nói chung và Tương Dương nói riêng đã trở thành nỗi trăn trở không của riêng ai, mà trở thành một vấn đề chung, nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các cấp”.
 
Để từ đó, tác giả khéo léo “bắt nhịp” vào sự trăn trở, quan tâm của Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến làm việc lần này: “Lên với Tương Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc không chỉ quan tâm đến vấn đề dân sinh, các chiến sỹ biên phòng đóng quân nơi biên giới xa xôi mà còn dành sự quan tâm rất lớn đến việc phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là các mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm các mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Nhật Thực, bản Xiêng Hương, nghe báo cáo của chính quyền huyện về các mô hình, các chương trình, dự án. Nhưng đặt trong bức tranh tổng thể, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước là 8%, trong khi Nghệ An vẫn còn 12,5% và Tương Dương vẫn còn 51,5%. Vì vậy, nếu Tương Dương và các huyện vùng cao không giảm nghèo với tốc độ nhanh hơn nữa thì việc đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước vào cuối năm 2015 là rất khó đạt. 
 
Sau chuyến thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc chỉ rõ nguyên nhân: Tương Dương thực sự vẫn còn lúng túng trong việc xác định hướng đột phá, chưa xác định được giống cây, con chủ yếu để tập trung chỉ đạo, đầu tư; xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình. Xác định rõ được nguyên nhân, vấn đề là tìm ra giải pháp phù hợp cho Tương Dương phát triển nhanh. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến thảo luận và giải pháp được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đưa ra nhằm “hiến kế” và cũng đồng thời tìm hướng hỗ trợ thiết thực cho huyện.
 
 Các ý kiến đã chỉ rõ những thế mạnh, tiềm năng của Tương Dương, để từ đó, gợi mở cách làm ăn có hiệu quả, từng bước đưa Tương Dương thoát nghèo bền vững: Cần tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả 78 mô hình đang triển khai trên địa bàn xem mô hình nào hiệu quả thì tập trung triển khai nhân rộng. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung phát triển kinh tế rừng, bởi với diện tích tự nhiên hơn 281 ngàn ha, lớn nhất tỉnh và dân số chỉ hơn 71 ngàn người, Tương Dương có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; cần tập trung đầu tư khai thác tiềm năng đất rừng và rừng…
 
Những vấn đề được đặt ra và những gợi mở trong chuyến làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Tương Dương được đề cập trong bài viết hết sức cấp thiết và thời sự; sẽ tạo đà để Tương Dương “đột phá”.
 
Người xây dựng