(Baonghean) - Mặc dù phiên tòa đã khép lại cách đây gần nửa tháng, song đến bây giờ sự việc ông T là trưởng một phòng của huyện H lại đi kiện UBND huyện H đang được dư luận bàn tán xôn xao.
 
Tại phiên tòa hôm đó, phòng xử án chật kín cả lối ra. Mọi người quan tâm, háo hức tới dự khán, bởi họ muốn xem ông T là người thế nào mà "cả gan" dám kiện cấp trên của mình. Từ trước tới nay, việc người dân kiện ra tòa về quyết định của cơ quan nhà nước thì đã có tiền lệ, song việc cán bộ đang có chức vụ hẳn hoi lại đi kiện cấp trên của mình thì... xưa nay hiếm! Vậy góc khuất phía sau vụ kiện là gì?
 
Có thể tóm tắt sự việc như sau: Ngày 21/9/2009, ông T có đơn và hồ sơ yêu cầu đăng ký lại việc sinh của ông tại UBND xã quê ông. Căn cứ vào các giấy tờ do ông cung cấp, UBND xã đã cấp cho ông giấy khai sinh bản chính đăng ký lại có năm sinh 1955. Thế nhưng, ngày 26/11/2010, UBND huyện H lại có quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh bản chính đăng ký lại của ông T với các lý do: Thủ tục đăng ký lại của ông T chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật và hiện ông T đang có giấy khai sinh bản chính (đăng ký lần đầu ngày 16/4/1974) ghi năm sinh là 1952 lưu trữ trong hồ sơ cán bộ công chức tại huyện H. Không đồng tình với quyết định trên, ông T đã khởi kiện huyện H. ra tòa và cho rằng bản chính giấy khai sinh của ông sinh năm 1952 đã bị tẩy xóa, sửa chữa, hư hỏng, nay không còn giá trị pháp lý và không còn sử dụng được nữa thì "phải" được phép đăng ký lại.
 
Nghiên cứu hồ sơ của ông T cho thấy: giấy chứng minh nhân dân do Công an Nghệ Tĩnh cấp năm 1983, sổ hộ khẩu gia đình, học bạ phổ thông cấp 3 và bản sao giấy tốt nghiệp THPT cấp năm 1974, lý lịch sinh viên và giấy chứng nhận tốt nghiệp do Trường đại học nông nghiệp cấp năm 1979, đăng ký xe máy, bằng lái xe và một số giấy tờ khác đều thể hiện năm sinh của ông là 1955. Chỉ có lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên của ông ghi năm sinh 1952.
 
Qua theo dõi phiên tòa, chúng tôi thấy có điều lạ là chính ông T lại là tác nhân của việc tẩy xóa giấy khai sinh của mình. Ông T đã đi đăng ký khai sinh cho mình sinh năm 1955, sau đó lại tự tẩy xóa, sửa chữa thành năm sinh 1952, nay lại đi đăng ký lại năm sinh 1955. Động cơ đằng sau việc làm của ông T là gì?
 
Tìm hiểu từ những người bạn và người thân của ông T, chúng tôi dần xác định được bản chất của vấn đề. Sự thực ông T sinh năm 1952, đúng như ông đã khai trong hồ sơ lý lịch. Tuy nhiên, thời học phổ thông, do ông không đậu vào cấp 3 nên ông đã đi học hệ bổ túc. Song, theo học hệ bổ túc được 2 năm, ông bỏ học và về nhà nghỉ 1 năm, sau đó mới tiếp tục thi vào học cấp 3. Vì vậy, để năm sinh của mình trong các loại giấy tờ phù hợp với thời gian đi học nên năm 1974 ông đã đi đăng ký khai sinh năm sinh 1955. Thế nhưng, khi đã trở thành cán bộ công chức của UBND huyện, cuộc sống của cán bộ công chức những năm 80 thế kỷ trước hết sức khó khăn, ai cũng muốn về hưu sớm nên ông đã tự ý tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh của mình, chuyển năm sinh từ 1955 về 1952 cho phù hợp với lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên mà ông T đã khai trước đó. Song sự đời không như ông nghĩ, đời sống cán bộ công chức ngày càng được cải thiện, ông T. còn được bổ nhiệm làm trưởng phòng nên ông lại muốn kéo dài thời gian được hưởng "bổng lộc". Vì thế, ông mới nghĩ "mẹo" đi đăng ký lại khai sinh.
 
Phiên tòa đã khép lại, Hội đồng xét xử đã bác đơn khởi kiện của ông T. Xin chưa bàn tới vấn đề đúng, sai trong quyết định của tòa án, song dư luận vẫn băn khoăn, bởi ông T là một cán bộ, đảng viên, trước đây từng giữ chức Trưởng phòng Tư pháp và hiện đang là Chủ tịch Hội Luật gia huyện H nên chắc hẳn rất thông hiểu pháp luật; song vì động cơ vụ lợi và lợi dụng kẽ hở của pháp luật nên ở những thời điểm khác nhau ông đã tự ý sửa chữa hồ sơ theo hướng có lợi cho mình, rồi lại tự tố cáo mình tẩy xóa bản chính giấy khai sinh để được đăng ký lại.


Trâm Anh