(Baonghean) - Từ quốc lộ 46, theo con đường dưới chân núi Nguộc, qua cầu Bến Lội là đến làng Phúc Xá, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) - vùng quê nằm bên tả ngạn sông Gang, từ bao đời vẫn giữ gìn nét quê thân thuộc.

Làng có đình Phúc Xá là công trình cổ đồ sộ, nổi tiếng cả vùng. Trên gò Rú Đấng, dưới bóng cây đa hàng trăm năm tuổi là ngôi đình 5 gian nằm dọc. Ngày trước, 3 gian ngoài đặt 3 bộ phản cho quan, dân ngồi khi có việc. 2 gian trong là nơi thờ tự, được ngăn cách bởi một bức vách bằng gỗ, có 2 cửa ở hai bên, khi cúng tế mới mở ra. Trên bức vách này treo 3 chữ Hán to: Phúc - Đồng - Du. Trong đình, có đầy đủ gươm, đao, tán, quạt, long ngai, chiêng trống. Trên mái ngói âm dương, bờ nóc, đầu đao, đều đắp hình rồng. Cổng đình là 2 trụ biểu nghê chầu, mặt trước và sau đều ghi câu đối bằng chữ Hán.
 
images1188414_7a.jpgĐình làng Phúc Xá, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương).
Theo cụ Lê Văn Hậu (90 tuổi), đình làng làm năm Nhâm Thìn (chữ khắc trên gỗ), nhưng không rõ thế kỷ nào. Tại đình, xưa kia thường diễn ra lễ cầu yên, lễ cúng thần nông… Làng có 1 mẫu ruộng ở gò Lầy Hương, cho người cày cấy, hàng năm lấy hoa lợi để làm giỗ Vua Mai Hắc Đế. Những năm thuộc Pháp, đình là nơi giam giữ, tra khảo những người cách mạng. Ngày cướp chính quyền, dưới áp lực của nhân dân, lý trưởng, hương bộ Nguyễn Thịnh Luyến, Nguyễn Thịnh Toản, đã phải ra đình nộp sổ sách, con dấu cho làng. Ủy ban cách mạng địa phương từng làm việc tại đình. Trong kháng chiến, đình là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ; là trụ sở của Trường Chính trị tỉnh. Mỹ từng rải bom xuống làng, làm cháy nhà, chết người và làm sập một góc đình. Sau hàng chục năm trở thành phế tích, năm 2014, ngôi đình cổ đã được dân làng trùng tu, tôn tạo. Dẫu không được vẹn toàn như dáng vẻ xưa, nhưng sự trở về của mái đình thân thuộc là tâm nguyện từ lâu của người dân Phúc Xá. Trong không gian xưa cũ, hàng năm dân làng lại tổ chức yến lão, mừng thọ đầu xuân, tế giỗ Vua Mai, hội họp, giao lưu, gặp mặt…
 
Quần cư lâu năm trên mảnh đất này, dân làng đã xây dựng nên những chùa, đền, để thờ thần, phật, những người có công với nước, với làng. Ngày xưa, gần đình có ngôi chùa 3 gian, nằm dọc. Những ngày sóc vọng, dân làng thường làm xôi, đóng oản, nấu cháo, đến chùa dâng lễ, cầu yên. Cuối gò Rú Đấng, giữa vườn cây rậm rạp có đền Cả với hai toà thượng, hạ, thờ Cao Sơn, Cao Các. Trong đền, có đầy đủ gươm giáo, tướng canh oai vệ, một thời là chốn linh thiêng của làng. Ngày nay, sau bao biến đổi, đền Cả đã được người dân nơi đây khôi phục, trước đền, dưới những lùm cây, cổng đền vẫn còn đó rêu phong, trầm mặc.
 
Trên gò Rú Chuỳn, có đền Hai, xưa kia cũng 2 toà thượng, hạ, thờ thần Kim Sơn. Từ cửa đền thu vào tầm mắt một vùng phong cảnh hữu tình của sông Gang, đồng ruộng, núi non… Người già trong làng kể rằng: Tuy đền đóng trên gò cao, nhưng mùa mưa lũ, cả vùng đều bị ngập; cụ thủ từ phải dùng thuyền chở hết đồ tế khí và rước thần về trú tại đình. Thời bao cấp, đền đã bị dỡ, đưa đi làm công trình tập thể. Nay trên nền đất cũ, dân dựng một ngôi miếu nhỏ, xung quanh vẫn còn chân móng đền xưa. 2 trụ biểu đồ sộ trước đền, vẫn còn nguyên vẹn, như là chứng tích cho những thăng trầm. Đền Ba ngự đầu gò Rú Đấng, thờ thần Bạch Sơn. Hạ điện 3 gian, thượng điện 1 gian 2 hồi, thời bao cấp cũng bị dỡ như đền Hai. Sau hàng chục năm, nơi đây chỉ còn lại những tảng đá kê chân cột, nay đền cũng được dân làng khôi phục, tiếp tục hương khói như xưa.
 
Theo các cụ cao niên, khi 3 ngôi đền bị dỡ, đồ thế khí, sắc phong… đều được tập trung về đình; sau đó hợp tác xã lại chuyển về nhà thờ họ Nguyễn Thịnh, dòng họ lớn nhất trong làng. Ngày nay, tại nhà thờ họ Nguyễn Thịnh, đang còn lưu giữ 11 sắc phong của các triều đại phong kiến ban cho làng, sắc có niên đại xa nhất là năm Lê Cảnh Hưng thứ 44 (1783), sắc có niên đại gần nhất là năm Khải định thứ 9 (1924). Ông tổ của dòng họ Nguyễn Thịnh là Phúc Sơn Thạch Trụ Bá Tướng công, được ban cấp 2 sắc phong.
 
Làng xưa có 3 cây đa, nay chỉ còn cây đa Đình, gắn liền với mái đình cổ kính; 3 giếng nước: Hồ, Trùa, Nuông, mỗi giếng là một mỏ nước ngọt mát của làng, được đào ở những nơi trọng yếu. Mùa hạ bỏng rát gió Lào, mọi nơi khô hạn, nhưng giếng làng vẫn còn đầy nước. Những năm gần đây, các giếng làng, đã và đang được dân làng tu sửa, tôn tạo ngày một sạch, đẹp hơn. Với họ, giếng làng không chỉ là nơi lấy nước sinh hoạt hàng ngày, nơi gặp gỡ thân tình của bà con lối xóm, mà còn là hình ảnh quê hương truyền thống đã đi vào ký ức của bao thế hệ người làng.
 
Về Phúc Xá thăm sông Gang, núi Bạc, bến Bàu, trên mảnh đất nghèo đã có bao thay đổi, nhưng hình ảnh cây đa, giếng nước mái đình thì vẫn còn hiện hữu như tự ngày xưa, kết nối cả không gian quá khứ và hiện tại của làng…
 
Huy Thư