Sáng 20/8, tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An tổ chức Hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách trợ giá giống lúa thuần Lth31 (Sông Lam 9) năng suất cao, chất lượng tốt do Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Vụ hè thu - mùa 2019, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An triển khai chương trình chính sách trợ giá giống lúa thuần mới có năng suất, chất lượng cao Lth31 (Sông Lam 9) với quy mô toàn tỉnh 1.126 ha. Tại xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương thực hiện chương trình với quy mô 23,7 ha, giống đối chứng là Khang dân 18.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán kéo dài, đặc biệt từ tháng 6 đến tháng 7 nắng nóng khốc liệt kéo dài liên tục trong hơn 60 ngày, ở giai đoạn lúa làm đòng- trổ bông nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, nhiều diện tích bị mất trắng; giống lúa Lth31 vẫn đạt năng suất thực thu dự kiến là 60,2 tạ/ha (vượt gần 20% so với giống đối chứng), chất lượng gạo tốt.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu rõ: Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vụ hè thu năm nay, những ưu khuyết điểm của từng loại giống bộc lộ rất rõ, những giống chịu nhiệt kém cho năng suất rất thấp. Thống kê bước đầu, toàn tỉnh có 3.000 ha lúa trổ nhưng không kết hạt, tập trung vào các giống khang dân, hương biển….
Giống lúa Lth31 (Sông Lam 9) có ưu thế là chịu được nền nhiệt độ cao. Giai đoạn lúa làm đòng đến trổ từ ngày 22/6 đến 22/7 nằm trọn trong đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng trổ cũng như khả năng kết hạt giống, năng suất đạt cao, chứng tỏ được ưu thế trong điều kiện thời tiết hạn hán.
Từ những ưu điểm nổi bật của giống lúa Lth31 (Sông Lam 9), Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đưa giống lúa này vào cơ cấu giống trong các mùa vụ tiếp theo.