Từ đầu tháng 5/2019, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải theo con đường chính ngạch và đảm bảo chất lượng hàng hóa, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc, sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật đóng gói...
Trước thực tế đó, mặt hàng thủy hải sản ở Nghệ An rất khó tiêu thụ, nhiều nơi đang tồn kho. Như phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai là một trong những địa phương có truyền thống xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc. Toàn xã có 143 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, 20 tàu công suất vừa và nhỏ đồng thời gần 200 bè đánh bắt gần bờ, trung bình mỗi năm, toàn xã đánh bắt được trên 30.000 tấn hải sản các loại, khoảng 70% xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, số còn lại tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản tiểu ngạch, ngư dân và thương lái tại Quỳnh Lập lâm vào cảnh rất khó khăn.
Ông Nguyễn Phúc Sở, xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập (Hoàng Mai) cho biết: Từ khi Trung Quốc cấm xuất khẩu tiểu ngạch, hải sản khi về bến đều bị thương lái ép giá, nhưng nếu không bán thì sẽ không bảo quản được lâu, dẫn đến hư hỏng. Điều đang nói, những hải sản giảm giá mạnh lại là những mặt hàng chủ lực để xuất khẩu như cá hố từ 120.000 đồng/kg chỉ còn 60.000 – 80.000 đồng/kg, cá cơm từ 13.000 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng/kg…
Chị Phan Thị Phong, chủ một đại lý thu mua hải sản cho bà con tại thị xã Hoàng Mai cho biết: Trước đây, hải sản sau khi thu mua sẽ được chúng tôi cho vào khay cấp đông vận chuyển ra cửa khẩu Móng Cái và đi đường đò để sang Trung Quốc. Bây giờ phải đóng hàng cẩn thận vào các thùng xốp sau đó cho vào bao bì, khi ra đến cửa khẩu phải thuê xe để đi đường bộ sang Trung Quốc với chi phí tăng lên gấp nhiều lần... Do chi phí tăng lên và chịu nhiều rủi ro nên bắt buộc chúng tôi phải hạ giá hải sản thu mua của người dân để bù đắp các khoản khác.
Không xuất được sang Trung Quốc, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa vẫn còn hạn chế, dẫn đến hàng tấn hải sản của bà con đành phải “dậm chân” trong những kho lạnh.
Đường kính tinh bột sắn từ Nghệ An cũng tồn đọng hàng ngàn tấn do không xuất bán sang Trung Quốc được như trước. Anh Nguyễn Hồng Phúc, hộ kinh doanh chế biến sắn ở xóm 10 xã Nghĩa An, Nghĩa Đàn chia sẻ: Từ đầu năm 2019 đến nay cơ sở chúng tôi sản xuất được trên 300 tấn bột sắn. Các năm sản xuất được từng nào, thương lái thu mua hết với giá 12.000 đồng/kg để xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên vụ này, tồn kho không bán được, để có kinh phí trang trải chúng tôi phải bán bột sắn với giá hơn 8.000 đồng/kg cho thị trường nội địa được 200 tấn, hiện đang còn hơn 100 tấn chưa bán được. Theo tìm hiểu địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 5 cơ sở chế biến sắn, hiện đang tồn kho từ 4.000 - 5.000 tấn tinh bột sắn chưa bán được.
Anh Nguyễn Hồng Phúc, hộ kinh doanh chế biến sắn ở xóm 10 xã Nghĩa An, Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Việc Trung Quốc đang siết chặt nhập khẩu đường tiểu ngạch gây khó khăn cho chúng tôi rất lớn. Vì chúng tôi chỉ là những cơ sở chế biến nhỏ, sau sự việc này rất cần có các doanh nghiệp lớn ký hợp đồng thu mua với các cơ sở chế biến, thực hiện truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch”.
Còn một số chủ cơ sở chế biến bột cá chia sẻ: “Chúng tôi đang rất cần các cấp, ngành hỗ trợ, hướng dẫn để hoàn thiện những thủ tục để có thể thuận lợi khi xuất hàng hóa”.
Ông Vũ Tuấn Dũng – Phó Chủ tịch UBND T.X Hoàng Mai cho biết: Trước mắt, chúng tôi khuyến khích các chủ kho nếu không thể bảo quản kéo dài thì sẽ cố gắng tiêu thụ nội địa để giảm bớt thiệt hại. Về lâu dài, ngư dân và thương lái sẽ phải được đào tạo, tập huấn để hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, vừa giúp hàng hóa được lưu thông suôn sẻ, vừa tăng được giá trị của mặt hàng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”, từ đầu năm 2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch, được áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có hai yêu cầu quan trọng là có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói. Vì vậy để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy hải sản trên địa bàn Nghệ An.
Nông dân cần chuyển đổi tư duy sản xuất, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tăng liên kết với các DN, xây dựng các chuỗi sản xuất. Cùng đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói nông sản theo quy định. Mặt khác, cần vận động, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững…
Đối với các mặt hàng thủy hải sản, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành và bà con ngư dân hướng dẫn cho từng tàu thuyền khai thác hải sản đúng địa chỉ, nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt hướng dẫn các đơn vị chế biến hải sản các thủ tục, công đoạn truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Yêu cầu của Trung Quốc là thách thức, nhưng cũng là cơ hội tốt cho cả doanh nghiệp và nông dân Nghệ An. Bởi, các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu giữa 2 bên có tính pháp lý cao hơn, là cơ hội để thị trường nông sản ổn định, bền vững hơn.