(Baonghean) - Không thể phủ nhận những tiện ích của mạng xã hội (MXH) đối với giới trẻ như sử dụng trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm thông tin... Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít bạn trẻ lại sử dụng MXH một cách lệch lạc, thiếu định hướng.

“Nghiện phây” và những hành vi lệch lạc

Theo thống kê, hiện nay, nước ta có hơn 30 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook; trong đó 3/4 người dùng có độ tuổi từ 18 - 34… Bạn Nguyễn Thị Thanh Hoa - sinh viên năm nhất ngành Y đa khoa - Trường Đại học Y khoa Vinh, chia sẻ: "Vừa mới nhập học, qua Facebook, em biết thêm thông tin về các hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, đội, nhóm sinh viên trong trường.

Từ sự kêu gọi, giúp đỡ của bạn bè trên MXH, em cố gắng sắp xếp thời gian để trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại khóa, như hiến máu nhân đạo, tặng quà vui Tết Trung thu ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An... Thông qua các hoạt động giúp em có nhiều trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm và có thêm nhiều người bạn mới”.

images1734140_images1626845_3..jpgTrong các quán cafe, dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều bạn trẻ mải mê lướt mạng xã hội từ smartphone thay vì trò chuyện với nhau - Ảnh: Thanh Quỳnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi, MXH cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là với những người "nghiện" nó. Không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm bạn đi chơi, uống cà phê với nhau, mỗi người cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh để chụp hình và lướt facebook… thay vì chuyện trò hỏi thăm nhau, tâm sự, chia sẻ cùng nhau. Nhiều bạn trẻ mải mê Facebook đến sao nhãng học hành, quên cả việc nhà.

Em Nguyễn Ngọc Hà - học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5 chia sẻ: “Ban đầu, thấy bạn bè ai cũng dùng facebook nên em cũng dùng thử cho biết. Dần dần, việc sử dụng facebook đã trở thành thói quen hàng ngày, dù làm gì, ở đâu, cứ mỗi lần mở điện thoại là em lại vào Facebook đầu tiên. Thậm chí, có khi chỉ viết vài điều, chụp vài tấm ảnh rồi ngồi chờ mọi người “like” hay bình luận...”.

Một cán bộ đoàn ở một trường đại học trên địa bàn thành phố Vinh cũng cho biết, qua tìm hiểu, khảo sát, anh nhận thấy có khá đông sinh viên vẫn online trên Facebook, Zalo…, dù đã quá nửa đêm, thậm chí trong giờ học cũng tranh thủ lên mạng.

Còn Trần Văn S (SN 1989) -  nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn phường Trung Đô thì cứ mỗi buổi sáng đến cơ quan, việc đầu tiên của S là lướt một vòng facebook, vừa là để trả lời những bình luận từ hôm trước, “like” các trạng thái, hình ảnh, liên kết mà bạn bè mới đưa lên, rồi mới yên tâm làm việc. Sau đó, hễ có thời gian rảnh là Trần Văn S lại vào Facebook để tiếp tục “chém gió”. Nhiều khi, vì mải lướt “phây” mà S chậm trễ công việc được giao... 

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu thực tế, nhiều bạn trẻ trên địa bàn thành phố Vinh tiết lộ, hiện nay, trên MXH có hiện tượng các học sinh THPT thành lập các hội, nhóm để chia sẻ thông tin không lành mạnh hoặc chỉ để bêu xấu, công kích nhau. Lúc đầu chỉ là những nhóm fan của ca sỹ này, diễn viên nọ, hay là CLB bóng đá ưa thích… để ủng hộ thần tượng hay cổ vũ cho đội bóng của mình, về sau dẫn đến ghen tỵ, bêu xấu nhau bằng những ngôn từ chợ búa, thậm chí, còn hẹn nhau để “ăn thua”. 

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng thông tin rất nhiều vụ việc từ sử dụng MXH gây hệ lụy nặng nề trong giới trẻ như do bị đăng tải thông tin, hình ảnh làm nhục nên manh động tự sát; hoặc mâu thuẫn trên mạng dẫn đến ẩu đả dã man mang tính chất xã hội đen... Ở Nghệ An, trong 2 năm 2015 và 2016 cũng có 3 vụ việc liên quan đến những mâu thuẫn trên facebook của học sinh gây xôn xao dư luận, chấn động trong phụ huynh, nhà trường. Trong đó 1 vụ ở TP. Vinh, 1 vụ ở Nam Đàn và 1 vụ ở Quỳnh Lưu…

Cần có sự quan tâm, định hướng cho giới trẻ

Trao đổi về vấn đề MXH đối với giới trẻ, tiến sỹ Phan Quốc Lâm -  Giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Vinh cho rằng: “Không thể phủ nhận những tính năng giải trí và tác động to lớn của MXH trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè. Dùng MXH, mọi người có tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống, quen biết nhiều bạn bè mới, tìm và kết nối bạn bè một cách nhanh chóng.

Đối với giới trẻ hiện nay, việc sử dụng MXH ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bản thân người sử dụng nên là những người thông minh, biết chọn lọc thông tin, không thì sẽ nhìn nhận vấn đề một cách lệch lạc. Bên cạnh đó, nếu sử dụng MXH quá nhiều sẽ làm cho những thói quen, sở thích, rèn luyện sức khỏe hay thời gian học tập ít đi, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhịp độ sinh hoạt của mỗi người”.

Cần định hướng, giáo dục cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội - ảnh: Phương Thúy.

Cũng theo tiến sỹ Phan Quốc Lâm, chúng ta không thể cấm giới trẻ sử dụng MXH, nhưng điều quan trọng là phải quan tâm và định hướng các em sử dụng MXH đúng đắn, hiệu quả và có văn hóa. Đơn cử như trong vấn đề chia sẻ thông tin trên MXH, thay vì chia sẻ những cảnh đánh nhau, tai nạn, chụp hình gợi cảm..., chúng ta nên hướng các bạn trẻ chia sẻ những tấm gương, kinh nghiệm trong học tập cũng như trong cuộc sống để noi gương.

Các trường học cũng cần ban hành quy định đối với học sinh khi tham gia MXH, nhằm định hướng cho học sinh tránh xa những mặt tiêu cực từ Facebook, sử dụng MXH đúng cách. Ngoài ra, nhà trường có thể liên kết và mời công an, những chuyên gia tư vấn, chuyên gia tâm lý tổ chức các buổi trao đổi với học sinh, cung cấp cho các em những thông tin pháp lý và thực tế để cảnh báo, giúp các em sử dụng MXH theo hướng có lợi nhất.

Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề định hướng, giáo dục cho giới trẻ sử dụng MXH. Đặc biệt, đối với trẻ vị thành niên, khi nhân cách của các em chưa được định hình, hoàn thiện thì các nội dung thông tin xấu rất dễ ảnh hưởng tới suy nghĩ, cách ứng xử và hành động của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thẳng thắn chia sẻ, hướng dẫn để các em sử dụng MXH một cách đúng đắn, hiệu quả, trong đó có mục đích phục vụ tốt nhu cầu học tập, làm việc của bản thân.

 Minh Quân

TIN LIÊN QUAN