Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia sau đó đã xin lỗi về sai lầm trên Twitter, nói rằng vì không có động đất nên khó xác định nguyên nhân của vụ việc. "Ban đầu đã có sai lầm, chúng tôi xin lỗi", ông viết.
Cơn sóng thần ở eo biển Sunda không phải là kết quả của một trận động đất mà nhiều khả năng là do hoạt động của núi lửa Anak Krakatau, ngọn núi lửa trẻ hình thành trong lòng núi lửa Krakatau ở ngoài khơi eo biển Sunda, sau vụ phun trào dữ dội năm 1883. Anak Krakatau đã phun trào 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.
Nugroho nói rằng sóng thần được kích hoạt bởi các vụ phun trào núi lửa là hiện tượng hiếm. "Không có trận động đất nào và vụ phun trào Anak Krakatau cũng không lớn lắm", ông cho biết và nhấn mạnh không có cơn chấn động địa chấn lớn nào báo hiệu sóng thần sắp đến.
Các cư dân ven biển cũng cho biết họ không nhìn thấy hoặc cảm thấy bất kỳ dấu hiệu nào như nước rút hoặc động đất trước khi những con sóng lớn ập vào bờ.
168 người thiệt mạng, hơn 700 người bị thương trong thảm họa. Anak Krakatau là một trong 127 núi lửa hoạt động ở Indonesia. Núi cao khoảng 305 m, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây Java 80 km và bắt đầu hoạt động từ hồi tháng 6, nhưng vì nó ở xa đất liền nên nhiều người cho rằng nó vô hại. Nhà chức trách Indonesia thiết lập khu vực cấm tiếp cận rộng hai km xung quanh ngọn núi lửa này từ tháng 7.
Khi núi lửa Krakatoa phun trào trong thế kỷ 19, nó tạo ra cột tro, đá và khói cao hơn 20 km và tạo ra cơn sóng thần khổng lồ. 36.000 người thiệt mạng trong thảm họa.