10 máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga đã tới bán đảo Crimea
Theo Reuters, hơn 10 máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 mà Nga sẽ triển khai để tăng cường lực lượng không quân của nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Ukraine, đã hạ cánh tại căn cứ không quân Belbek ở Crimea vào ngày 22/12.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tố cáo Ukraine đang chuẩn bị "một hành động khiêu khích" gần Crimea trước khi kết thúc năm nay. Những căng thẳng giữa Moskva và Kiev đã leo thang trong vài tuần qua sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân của nước láng giềng và thủy thủ của họ vào ngày 25/11 trong vụ việc mà cả Moskva lẫn Kiev đều đổ lỗi cho nhau.
Không có kinh phí, Chính phủ Mỹ đóng cửa ngay trước lễ Giáng sinh
Hạ viện Mỹ tạm ngừng phiên họp ngày 21/12 mà không có sự thông qua thỏa thuận chi tiêu của Quốc hội, đảm bảo rằng một phần chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa vào nửa đêm.
Các hoạt động của nhiều cơ quan chủ chốt thuộc chính quyền Washington sẽ tạm ngưng cho đến sáng 23/12, bất chấp các cuộc bàn luận giữa quan chức Nhà Trắng và lãnh đạo Quốc hội hai đảng vẫn đang diễn ra tại Đồi Capitol.
Hiện vẫn chưa rõ việc đóng cửa một phần hoạt động của chính phủ sẽ kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, viễn cảnh dự kiến sẽ không tốt đẹp trong khi hàng trăm ngàn nhân viên liên bang sẽ bị sa thải hoặc bị buộc làm việc không lương trong thời điểm lễ Giáng sinh sắp đến.
Canada yêu cầu Trung Quốc thả ngay các công dân bị bắt giữ
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc hôm qua có dấu hiệu leo thang khi Chính phủ Canada tỏ ra khá gay gắt khi chỉ trích Trung Quốc bắt giữ người “tùy tiện”. Bộ Ngoại giao Canada đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc thả tự do ngay lập tức cho 2 công dân nước này bị bắt giữ hôm 11/12 vừa qua với lý do nghi ngờ “đe dọa an ninh” quốc gia.
Hai công dân Canada bị bắt giữ là ông Michael Kovrig, một cựu nhân viên ngoại giao và hiện là chuyên gia phân tích cho một tổ chức phi chính phủ có tên Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) và ông Michael Spavor, một doanh nhân. Theo Chính phủ Trung Quốc, nước này luôn tuân thủ các quy định, cũng như quy trình luật pháp khi bắt giữ hai công dân Canada.
Đức "cấm cửa" hãng hàng không Mahan Air của Iran do sức ép của Mỹ
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin Đức cấm các chuyến bay thuộc hãng hàng không Mahan Air của Iran tới các thành phố của nước này dưới sức ép từ Mỹ.
Hiện tại, Mahan Air thực hiện những chuyến bay tới các thành phố của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Milan, Athens, Dusseldorf và Munich cũng như các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraine và một số điểm đến khác tại Trung Đông và châu Á. Kể từ tháng 12/2011, Mahan Air đã phải chịu một số lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ vì bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế.
Mỹ trấn an Iraq về kế hoạch rút quân khỏi Syria
Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cam kết với Thủ tướng nước này Adel Abdul Mahdi rằng Washington vẫn kiên quyết chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và các khu vực khác, bất chấp kế hoạch rút quân khỏi Syria.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Iraq cho hay, hai ông Mahdi và Pompeo đã thảo luận về kế hoạch rút quân nêu trên và quyết định của Washington cho Iraq thêm 90 ngày miễn trừng phạt trong giao dịch với Iran, theo đó Baghdad sẽ được phép mua năng lượng từ Tehran.
Nhóm giám sát viên ngừng bắn của Liên hợp quốc đến Yemen
Nhóm nhân viên của Liên hợp quốc tham gia giám sát lệnh ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeida, Yemen đã đến điểm dừng đầu tiên ở quốc gia Trung Đông này. Nhóm này, do Tướng về hưu người Hà Lan Patrick Cammaert dẫn đầu, đã đến Aden, miền Nam Yemen - nơi đặt trụ sở của chính phủ được quốc tế công nhận. Dự kiến, ông Cammaert sẽ gặp một số quan chức trong chính phủ tại Aden trước khi đến thủ đô Sanaa đang do phiến quân kiểm soát và sau đó là đến thành phố Hodeida.
Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết triển khai nhóm phản ứng nhanh tới Yemen để giám sát lệnh ngừng bắn ở thành phố cảng Hodeidah.
Ấn Độ sẽ kiểm soát mọi máy tính của nước này
Bộ Nội vụ Ấn Độ vừa ban hành sắc lệnh cấp phép cho 10 cơ quan chính phủ được quyền can thiệp, theo dõi và giải mã “mọi thông tin phát sinh, truyền tải, nhận và lưu trữ trên các máy tính”.
Như vậy, theo đài NDTV, với sắc lệnh của Bộ An ninh Nội địa, các cơ quan chính phủ được cấp phép không chỉ có thể tiếp cận dữ liệu trong các cuộc gọi và tin nhắn, mà còn là được can thiệp vào bất cứ dữ liệu nào có trên máy tính. Các cơ quan đó cũng có quyền thu giữ mọi thiết bị khi cần.