Với hướng gió chủ đạo hiện nay, bụi phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi của Nhật Bản bay ra Thái Bình Dương. Nếu vượt qua được đại dương, lượng bụi còn lại cũng khó có thể gây họa cho người.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo những cơn gió từng thổi về hướng bắc và đông bắc sau hai vụ nổ đầu tiên ở nhà máy điện Fukushima Dai-ichi của Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là chúng có thể mang theo chất phóng xạ ra Thái Bình Dương, AP cho biết.
 
“Mọi cơn gió tại Nhật Bản trong mấy ngày qua đều hướng ra ngoài đại dương. Không có bất kỳ nguy cơ phát xạ hạt nhân trong lãnh thổ Nhật Bản và những nước gần Nhật Bản”, Maryam Golnaraghi, giám đốc Chương trình giảm nguy cơ thảm họa của WMO, phát biểu.

764018_small_61288.jpg
 Theo các chuyên gia khí tượng Nga, gió đang thổi từ lục địa ra vì thế sẽ mang bụi phóng xạ ra biển Thái bình dương. Đồ họa: BBC

Nhưng tới hôm qua thì Cục Khí tượng Nhật Bản thông báo gió đổi hướng và tiến về phía đông bắc nước này. Hôm nay những luồng gió cách mặt biển 1.000 m sẽ thổi về phía bắc trước khi tiến sang phía tây.
 
Giới chức thành phố Tokyo – nằm cách tỉnh Fukushima khoảng 250 km về phía tây nam – thông báo nồng độ phóng xạ hôm qua cao hơn mức bình thường, song vẫn chưa đạt tới ngưỡng nguy hiểm.
 
WMO ban bố cơ chế đối phó khẩn cấp với thảm họa môi trường đối với ba trung tâm vùng của họ ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Obninsk (Nga).
 
Khi thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraina xảy ra, bụi phóng xạ bay khắp lãnh thổ Ukraina, Nga, Belarus và thậm chí bay tới cả Ireland – nơi cách nhà máy hơn 1.600 km.
 
Trạm khí tượng tại thành phố Vladivostok - thuộc vùng Viễn Đông của Nga và cách Fukushima gần 1.000 km về phía tây – thông báo nồng độ phóng xạ vẫn ở mức bình thường.
 
Boris Lamash, trưởng khoa Khí hậu thuộc Đại học Viễn Đông của Nga, nói rằng trong khoảng thời gian hiện tại gió ở vùng Viễn Đông giúp đẩy chất phóng xạ ra phía ngoài.
 
Tại Mỹ, nhà khí tượng học Jeff Masters dùng một mô hình máy tính của Cục Hải dương và Khí quyển quốc gia để dự đoán những nơi mà bụi phóng xạ có thể tới.
 
“Mô hình cho thấy bụi phóng xạ từ Nhật Bản bay ra Thái Bình Dương theo hướng đông bắc và có thể bay phía trên mặt nước trong ít nhất 5 ngày. Tuy nhiên, sau 7 ngày và vượt qua khoảng cách tới 3.200 km, lượng bụi phóng xạ không còn đủ lớn để có thể gây hại cho người”, Masters nói.
 
Cyril Honore, phó giám đốc bộ phận dự báo của Cục Khí tượng Pháp, tỏ ra thận trọng hơn Masters.
 
“Nhật Bản nằm ở khu vực có khí hậu ôn hòa. Vì thế các cơn gió thường di chuyển từ tây sang đông. Song chúng ta vẫn không nên loại trừ những tình huống xấu”, AFP dẫn lời Horone.


Theo VnExpress