Gần đây, trên báo chí xuất hiện một số những phát ngôn trả lời báo chí, mà ở đó, người đọc khó có thể thông cảm về độ “thô tục”, coi thường dư luận, độc giả của họ. Nhắc lại những phát ngôn này không hề thừa, vì tần suất xuất hiện của nó đã dày hơn.

Mới đây, báo Tiền Phong, đã đăng bài viết có nội dung phóng viên gọi điện hẹn làm việc với ông Trần Anh Tú (Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội) liên quan đến dự án xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội đi từ Yên Nghĩa về Kim Mã.

Theo đó, khi phóng viên đặt câu hỏi về hiệu quả của dự án, ông Tú nói:“Không hiệu quả không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?”.

Về câu hỏi nguy cơ ùn tắc trên tuyến đường xe buýt nhanh đi qua, ông Tú nói:“Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung”.

Cũng theo thông tin từ báo chí, Hà Nội đã cho kiểm tra lại những phát ngôn này.

images1609213_phat_ngon.jpgCông trình kéo dài, dân kêu lãng phí và phát ngôn "thô tục" của chức sắc. Ảnh: Dân trí

Trước đó, ngày 13/6, Báo điện tử Một Thế Giới dẫn lại lời ông Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khi PV báo này gọi vào số máy 090395888X, người nghe máy tự nhận là ông Thăng đã có những lời như sau: “Mày bảo Giám đốc Sở Công Thương là nói không đúng với lại Chủ tịch hả? Tao sẽ làm cho nó ra chuyện. Cái việc của tao nói là việc của tao chứ không phải báo chí bình luận được những cái lời như thế, nhá”. 

Theo báo Một thế giới, PV báo này đề nghị người đàn ông này không nên xưng mày tao thì ông tiếp tục: “Nhưng mà nói trên báo chí mà động đến Giám đốc Sở Công Thương í, mày còn nói tồi tệ hơn như thế, nhá. Tao nói để mày biết như thế đấy”.

Trước đó không lâu, báo Người đưa tin đưa lên nội dung cuộc nói chuyện giữa phóng viên với Ts Đinh Ngọc Hiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Tây về việc báo muốn tìm hiểu thông tin về trạm trộn bê tông nằm trong khuôn viên trường. Trong nội dung trao đổi (có phát ghi âm), Ts Đinh Ngọc Hiện nói: “ Tôi nói với các ông nhá, ông nghe đây này. Rất nhiều báo đến đây, tôi cảnh báo các ông là các ông đừng chọc ngoáy, hiểu chưa? Chúng tôi làm là có pháp luật, không có thanh tra nó đi đến, xây dựng nó đi đến nó chém đầu chúng tôi, việc gì các ông phải chọc ngoáy, nhá? Mà tôi là thương binh đây này. Tôi nói cho ông biết, nhá, đã mấy báo đến đây định chọc rồi, trước tết, sau tết, đừng kiểu nói đểu nhá, rõ chưa? Ông có tin tôi bảo thằng … (ông Hiện gọi tên một vị lãnh đạo cấp cao) nó chỉ xuống Tổng Biên Tập nhà ông đấy, rồi sẽ báo lên với tôi. Thôi…”

Ngoài ra, trong cuộc nói chuyện với PV báo Người đưa tin, ông Hiện cũng có lời lẽ thiếu tôn trọng người làm báo “Thôi tôi nói thẳng với các ông, các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra, lấy cái điệu dạo đời, báo Đô thị rồi là báo nọ báo kia bốn thứ báo rồi đây này!! Ông muốn vào thì tôi cũng thẳng tay chơi với các ông luôn. Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá!”.

Người viết bài này cũng không dưới 2 lần phải nghe qua điện thoại những lời khó nghe như vậy. Có những phát ngôn là lỡ lời, người nói lời này đã phải xin lỗi phóng viên. Có phát ngôn là thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường dư luận.

Điển hình, như ông “Tổng biên tập” một tờ tạp chí đã dọa “dỡ tung” cơ quan chủ quản cấp trên và “làm thịt” những người đã gửi công văn xin giấy phép cho ra đời tờ tạp chí mà ông ấy “làm Tổng biên tập”. Trong khi trao đổi qua điện thoại với PV Infonet, ông “Tổng biên tập” (xin phép để trong ngoặc kép vì sự bùng nhùng khi ông này được bổ nhiệm làm Tổng biên tập) đã dùng cả những từ ngữ mà chỉ có những người ngoài đường chửi nhau mới dùng.

Dù không phải là lãnh đạo, hoặc có chức vụ trong chính quyền, nhưng những người được kể trên được gọi là “có chức sắc” trong xã hội, trong lĩnh vực và cơ quan của họ. Thông thường người dân sẽ  nghĩ họ sẽ là những người nói năng văn hóa, đĩnh đạc, chuẩn mực…

Từ đó, có thể thấy, câu chuyện phát ngôn và trả lời báo chí đã trở thành câu chuyện đáng báo động với “văn hóa”, "nhận thức" của một số người “có chức sắc”. Phải chăng họ cho rằng, họ đang nói chuyện riêng với cá nhân người làm báo hay với họ dư luận không là gì?

Các chuyên gia về quan hệ công chúng cho rằng, những cuộc nói chuyện được xưng danh tên, chức vụ, nghề nghiệp, cơ quan, có nghĩa đây không phải là cuộc nói chuyện riêng giữa cá nhân với cá nhân. Đối với phóng viên, nhà báo cũng vậy, cuộc nói chuyện đã được xưng danh đầy đủ cơ quan và nói về vấn đề dư luận quan tâm, chính là cuộc nói chuyện giữa độc giả của tờ báo với những người trả lời. Do đó, việc trả lời của những người có chức sắc phải hết sức cân nhắc, cẩn thận. Đồng thời, cần phải xử lý nghiêm khắc những người "có chức sắc" bôi bẩn hình ảnh giới chức sắc vì những phát ngôn thô tục, vô văn hóa.

Theo infonet

TIN LIÊN QUAN