Ông Hans-Andre Tooren, 52 tuổi, và vợ của mình, bà Beate, 47 tuổi, hiện đang sống tại Altenberg, khu vực thuộc miền đông nước Đức. Họ kết hôn đã lâu và xây dựng nhà. Nhưng mấy chục năm trôi qua, cặp vợ chồng người Đức không hề biết ngay tại phần đất gia đình có chứa “kho báu” khổng lồ.
Mới đây, khi vô tình phát hiện ra nằm ngay tại ngôi nhà của họ hiện tại là một mỏ khoáng vật khổng lồ chứa lithium trị giá tới 5 tỷ bảng Anh (hơn 140 nghìn tỷ đồng), cả hai đều hết sức ngạc nhiên.
“Chúng tôi xây nhà từ năm 1998. Khi đó có rất nhiều lời đồn đoán về những đường hầm khai thác khoáng sản tồn tại từ thời Trung Cổ. Nhưng cả hai chúng tôi chẳng ai ngờ lại có một mỏ quặng ngay tại ngôi nhà mình”, ông Tooren nói.
Kể từ khi phát hiện ra Zinnwald – một thị trấn nhỏ của Altenberg, cuộc đua của các nhà khai thác khoáng sản bắt đầu. Nơi này bắt đầu tràn ngập các nhà thăm dò và địa chất học.
Dù sở hữu “kho báu” khổng lồ, nhưng rất đáng tiếc, gia đình nhà Tooren lại không nhận được bất cứ khoản tiền nào, ngay cả khi việc khai thác mỏ diễn ra ngay dưới ngôi nhà của họ. Theo luật khai thác mỏ của Đức, chủ sở hữu đất đai không được tự ý khai thác, vì đó là tài sản quốc gia.
Dù nhiều người dân xung quanh đó tỏ ý kém vui khi phải bỏ lỡ khối tài sản khổng lồ, nhưng gia đình ông Hans – Andre vẫn hài lòng.
“Thành phố Altenberg của chúng tôi sẽ nhận nhiều nguồn lợi khổng lồ từ hoạt động khai thác mỏ. Chúng ta có nhiều nguồn thu hơn cho việc cải tạo đường xá, trường học và công trình công cộng”, ông Hans nói.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương, các hoạt động khai thác mỏ sẽ không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân.