Còn những băn khoăn!
Đầu năm học 2018 - 2019, đối với cán bộ quản lý, UBND huyện Nam Đàn luân chuyển 14 người và bổ nhiệm lại 12 người. Trong khi đó, 17 giáo viên dạy tiểu học được luân chuyển qua trường khác vì những nguyên nhân như vi phạm kỷ luật, trường thừa giáo viên và theo nguyện vọng cá nhân.
Tuy nhiên, việc gây phản ứng gay gắt nhất là quyết định biệt phái 21 giáo viên THCS xuống dạy tiểu học. Theo ông Lê Trung Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn, quyết định biệt phái này được đưa ra do bối cảnh hiện nay, toàn huyện thừa hơn 40 giáo viên THCS, trong khi đó cấp tiểu học lại thiếu hơn 20 người.
Trong buổi triệu tập gặp mặt các giáo viên diễn ra vào chiều 24/8, ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn thông tin về tình trạng dôi dư giáo viên ở cấp này và thiếu giáo viên ở cấp khác. Ông Quế, đề nghị những người thuộc diện biệt phái, luân chuyển phải chấp hành theo quyết định của UBND huyện.
Tuy nhiên, nữ giáo viên Hoàng Thị Mùi đã từ chối nhận quyết định biệt phái. “Tôi sẽ không nhận quyết định này. Tôi thấy không công bằng” - cô Mùi bật khóc sau khi giơ tay xin được có ý kiến tại buổi gặp với người đứng đầu UBND huyện.
Cô này cho rằng, trong xếp loại cô đứng trên 2 giáo viên dạy Toán khác, nhưng không hiểu sao Hội đồng sư phạm lại quyết định biệt phái cô xuống dạy tiểu học, trong khi 2 người kia vẫn được giữ lại trường.
Được yêu cầu giải thích ý kiến của cô Mùi, hiệu trưởng nơi nữ giáo viên này làm việc cho hay, trước năm học này, trường có 6 giáo viên thuộc danh sách môn Toán, theo quy định thì thừa một người. Vì thế trường sẽ phải đưa giáo viên bị xếp loại đứng cuối cùng đi biệt phái.
2 năm hay vô thời hạn?
Trong quyết định của các giáo viên THCS bị biệt phái xuống dạy tiểu học nêu rõ thời hạn biệt phái là 2 năm. Tuy nhiên, cũng tại buổi gặp mặt này, ông Đinh Xuân Quế nói rằng “chưa chắc chắn về thời hạn này” mà còn tùy thuộc vào tình trạng thừa, thiếu giáo viên trong 2 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu 2 năm tới Nam Đàn tiếp tục có tỷ lệ giáo viên như hiện nay thì những người này vẫn chưa thể quay trở về dạy THCS như trong quyết định đã nêu.
Điều đáng băn khoăn là chưa đầy 10 ngày nữa năm học mới sẽ bắt đầu, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, 21 giáo viên THCS bị biệt phái vẫn chưa được bồi dưỡng phương pháp cũng như những kiến thức cần thiết để dạy tiểu học.
“Trước khi năm học mới, chúng tôi định bồi dưỡng cho họ khoảng một đến hai buổi là được” - ông Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT huyện nói.
Trong khi đó, tại huyện Diễn Châu, việc bồi dưỡng cho các giáo viên THCS xuống dạy tiểu học đã diễn ra từ gần một tháng trước. Theo giáo án, các giáo viên sẽ được học từ 15 đến 20 buổi!
Theo kế hoạch thuyên chuyển giáo viên của huyện Nam Đàn, huyện sẽ không trực tiếp quyết định người nào đi, người nào ở lại mà giao nhiệm vụ này cho nhà trường. Các trường học có trách nhiệm báo cáo tình hình giáo viên từng bộ môn thừa hay thiếu.
Trong trường hợp thừa, người bị xếp loại cuối cùng của bộ môn đó sẽ bị nhà trường “trả” cho huyện, rồi huyện mới quyết định “tương lai” của người này. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm kỷ luật như sinh con thứ 3 cũng nằm trong danh sách này./.