(Baonghean.vn)- Chánh án Tòa án tỉnh Hồ Đình Trung nhận định, người dân được giao rừng nghèo, ít giá trị kinh tế nên nôn nóng phá để tái trồng và vi phạm pháp luật.

Tại phiên thảo luận tổ 6, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVII, đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như chính sách nông nghiệp, lâm nghiệp, nợ đọng xây dựng nông thôn mới...

Tại phiên thảo luận của tổ 6, các đại biểu tham gia đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018; các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; hoạt động của HĐND tỉnh và về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh...

Đồng thời, nêu các ý kiến, kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Tham dự thảo luận tại tổ 7 có đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hoà, thị xã Cửa Lò; lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, các sở, ngành: Giao thông Vận tải, Thông tin và truyền thông, Văn hoá và thể thao, Toà án nhân dân tỉnh, Cục thống kê, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Tuy - Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai chủ trì thảo luận tổ 7. Ảnh: Mỹ Nga.

Liên quan đến các chương trình hỗ trợ giống chăn nuôi cho người dân thoát nghèo tại các xã miền núi, đại biểu Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nêu lên thực trạng, những con giống khi triển khai cho người dân chưa phát huy được hiệu quả tích cực. Lấy dẫn chứng cụ thể, đại biểu cho biết, đối với người dân miền núi, chăn nuôi luôn gắn với rừng vì có diện tích rộng, dễ chăn thả. Song giống bò lai Shin chỉ thích hợp nuôi nhốt chuồng. Do đó, khi đưa về cho bà con, không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nên đàn bò phát triển không khoẻ mạnh, người dân lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi.

Do đó, đại biểu đề nghị, cần lai tạo những con giống ngoại nhập với giống của địa phương để phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng, từ đó hạn chế được rủi ro.

Đại biểu cũng phản ánh thêm, hiện nay tại các huyện miền núi đang bắt đầu chuyển biến cơ giới hoá trong nông nghiệp.  Từ chương trình 135, người dân đã tiếp cận được với các loại máy cày có công suất từ 8-12 mã lực. Nhưng để tiếp cận những chính sách này  mới chỉ có các nhóm hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, đại biểu đề nghị, cần có thêm những chính sách đầu tư máy cày đa chức năng cho các huyện miền núi, vùng cao, đặc biệt là các hợp tác xã, để từ đó, phát triển thêm được ngành dịch vụ nông nghiệp.

Buổi thảo luận đã ghi nhận 8 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga.

Đại biểu Trương Văn Hùng - Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp tỉnh bày tỏ băn khoăn về những chính sách phát triển cho cây cam. Đại biểu cho biết, trên toàn tỉnh, diện tích trồng cam rất lớn, tăng đều hàng năm, nhưng công tác quản lý giống vẫn chưa chặt chẽ. Do đó, so với diện tích chung thì năng suất cam trên toàn tỉnh chưa cao.

“Hàng năm, đều có chương trình hỗ trợ với mức 10 nghìn đồng/cây cam. Sự hỗ trợ này liệu đã đủ hay chưa, trong khi thực tế cần ít nhất 35 nghìn đồng/cây cam?” – đại biểu băn khoăn.

Để nâng tầm của thương hiệu cam và đưa cam trở thành “mũi nhọn” của nền kinh tế, đại biểu đề nghị cần có những chính sách cho cây cam cụ thể hơn, và hỗ trợ người dân tiếp cận nhanh chóng với nguồn hỗ trợ.

Đại biểu Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, nếu như trước đây, cây sắn chỉ phục vụ để sản xuất tinh bột sẵn nên giá trị kinh tế thấp, nhưng hiện nay, cây sắn còn trở thành nguyên liệu trong sản xuất xăng sinh học E5. Với xu hướng này, giá trị của cây sắn hiện tại đã cao hơn các cây công nghiệp như mía, trong khi tỉ suất đầu tư lại thấp hơn. Thêm vào đó, cây sắn vốn dĩ là cây “xoá đói gỉam nghèo” thiết thực, dễ sống tại những vùng đắt cằn cỗi.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét những cơ chế chính sách mới cho cây sắn, mở thêm các vùng chuyên canh sản xuất cây sắn, tăng sản lượng sắn; đồng thời kết nối với các nhà máy, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Đại biểu Hồ Đình Trung - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh nêu lên những bất cập trong quản lý bảo vệ rừng và giao đất rừng cho nhân dân. Đại biểu cho biết, thời gian gần đây, số lượng vụ án về chặt phá rừng tăng lên đáng kể, tập trung tại các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Nguyên nhân ở chỗ, người dân được giao đất rừng, nhưng một số nơi lại là “rừng nghèo”.

“Theo người dân, những rừng này không có giá trị kinh tế cao, nên bà con nôn nóng tự ý phá rừng, với mục đích tái trồng rừng. Mà đã phá rừng, thì thể theo Luật là phạm pháp” – đại biểu chia sẻ.

Do đó, cần xem xét lại, lắng nghe cử tri, có những biện pháp giải quyết kịp thời, tạo điều kiện cho người dân tái tạo lại rừng nghèo, góp phần hạn chế các trường hợp vi phạm pháp luật. Đồng thời, vận động, tuyên truyền người dân hiểu biết về pháp luật, chung tay cùng các cấp chính quyền bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn,  giám sát và tố giác kịp thời những trường hợp vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Mỹ Nga.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa ghi nhận những ý kiến tích cực, sâu sát của các đại biểu, và rút ra vấn đề “nổi cộm” nhất là đang thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Ngọc Hoa đề nghị các đại biểu HĐND cần kiến nghị tới HĐND tỉnh những biện pháp, phân tích rõ nguyên nhân, hạn chế, tồn tại, từ đó, đưa ra những quyết sách hợp lý, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà.

Mỹ Nga 

TIN LIÊN QUAN